Ảnh minh họa |
Ông Thân Văn Đón, Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia) cho biết, Hội thảo tham vấn được tổ chức nhằm tập hợp ý kiến đa chiều của các bên liên quan xoay quanh những kiến thức, hiểu biết của địa phương về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước dưới đất và các giải pháp ứng phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước dưới đất. Hội thảo cũng lắng nghe và tiếp thu chọn lọc các đóng góp của lãnh đạo địa phương về nội dung (mục tiêu, kết quả đầu ra, hợp phần thực hiện) của dự án.
“Hội thảo cũng là chuỗi sự kiện Tuyên truyền ngày nước thế giới năm 2021 với chủ đề nhấn mạnh về Giá trị của nước, nâng cao vị thế giá trị mà nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi sinh. Ngoài các vấn đề về giá cả, chủ đề này còn bao gồm các giá trị về môi trường, xã hội và văn hóa mà con người đặt ra đối với nước” – Ông Thân Văn Đón thông tin thêm.
Với đặc điểm tự nhiên đặc thù nằm ở hạ lưu sông Mekong, các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong bao gồm 5 quốc gia trong đó có Việt Nam, dưới những ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu, đã và đang phải hứng chịu và đối phó với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác nhau (mùa khô kéo dài mang đến những đợt hạn hán tăng cường, những trận bão lũ nặng nề trong mùa mưa, nhu cầu sử dụng nước tăng cao, đặc biệt là nước dưới đất,…).
Các vấn đề này đều tỏ ra đặc biệt nghiêm trọng hơn đối với các nhóm đối tượng yếu thế, có thu nhập thấp và những cộng đồng phụ thuộc vào nguồn nước dưới đất chi phí thấp để phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tưới tiêu,…
Dự án “Tài nguyên nước dưới đất trong vùng châu thổ Mekong: Quản lý hợp tác để tăng cường chống chịu khí hậu” được đề xuất với mục tiêu giải quyết các thách thức về mặt quản lý và thể chế thông qua hợp tác quản lý nguồn tài nguyên nước dưới đất trong vùng. Đề cương dự án với sự phối hợp xây dựng và chủ trì bởi tổ chức UNESCO đã được trình gửi nhà tài trợ (Quỹ Thích ứng), sau nhiều đợt xem xét và yêu cầu chỉnh sửa từ nhà tài trợ đã được cơ bản chấp nhận với yêu cầu bổ sung lần cuối các nội dung liên quan. Một trong số đó là ý kiến tham vấn, đóng góp của các bên liên quan (người dân, chính quyền địa phương) cho nội dung tổng quát của đề cương cũng như của toàn bộ dự án. “Chính vì thế, hội thảo “Tham vấn hoàn thiện đề cương Dự án Tài nguyên nước dưới đất trong vùng châu thổ Mekong: Quản lý hợp tác để tăng cường chống chịu khí hậu” được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia lên kế hoạch tổ chức với mục tiêu làm kết quả đầu vào để tăng cường nội dung của đề cương dự án nói trên” – Ông Thân Văn Đón chia sẻ.