Hợp tác khoa học trong địa chất, khoáng sản: Nâng quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm cao mới
(TN&MT) - Hơn 70 năm qua, Việt Nam và Ba Lan đã tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nghiên cứu về địa chất và khoáng sản. Những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này của Việt Nam có sự đóng góp lớn từ thành quả của những chương trình hợp tác và những đóng góp của Ba Lan cho Việt Nam.
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/2/1950 đến nay, Việt Nam và Ba Lan có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, du lịch… Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 4.000 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học, trong đó trên 100 cán bộ ngành địa chất và khoáng sản. Đặc biệt, có hai Bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam từng là cựu du học sinh ngành Địa chất tại Ba Lan là nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Chu Tuấn Nhạ và nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên. Những cán bộ kỹ thuật do Ba Lan đào tạo có trình độ chuyên môn cao đã đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Điểm lại một số kết quả Hợp tác quốc tế Việt Nam - Ba Lan trong ngành Tài nguyên và môi trường có ý nghĩa thiết thực và đạt nhiều thành quả cho Việt Nam, trong đó phải kể đến từ năm 1955, Ba Lan đã giúp xây dựng 2 trạm nghiên cứu Khí tượng - Thủy văn đặt tại Sa Pa và Phù Liễn Hải Phòng; xây dựng Nhà máy sàng tuyển than Cửa Ông, Quảng Ninh; thành lập Bản đồ địa chất và khoáng sản khu vực Bảo Hà tỷ lệ 1/100.000 và 1/25.000 trên diện tích 1.500km2.
Năm 1996, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ký kết Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học về địa chất với 4 dự án lớn thực hiện liên tục từ năm 1996 - 2018 được Ba Lan tài trợ và có nhiều kết quả có ý nghĩa về cấu trúc địa chất, kiến tạo, địa động lực, tiến hóa magma, sinh khoáng…
Năm 1999, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Việt Nam và Ủy ban Nhà nước của Ba Lan về nghiên cứu khoa học đã ký Văn bản hợp tác Khoa học và Công nghệ. Trên cơ sở Hiệp định đã ký kết, phía Ba Lan đã tài trợ cho Việt Nam một số dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Trắc địa - Viễn thám, công nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp tàu thủy…
Từ năm 2014, theo sáng kiến của GS. Tadeusz Slomka - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH, Krakow, Trường Đại học AGH Krakow và Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội cùng nhau luân phiên tổ chức Hội nghị Việt - Pôl tại Ba Lan và tại Việt Nam nhằm phối hợp hoạt động trao đổi học thuật, chương trình đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên giữa hai trường, đồng thời phát triển quan hệ song phương trong lĩnh vực đào tạo đại học và sau đại học.
Ngày 1/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 334/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là cơ bản hoàn thành công tác điều tra địa chất, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng phần đất liền; điều tra địa chất, khoáng sản vùng biển ven bờ, hải đảo; phát hiện, điều tra khoáng sản vùng biển sâu, xa bờ; điều tra các điều kiện địa chất khác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dự trữ khoáng sản quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai.
Để thực hiện Chiến lược trên, Bộ TN&MT đã và đang tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp thu khoa học hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; khuyến khích hợp tác điều tra, thăm dò, khai thác.
Mối quan hệ hợp tác quốc tế và sự giúp đỡ của Ba Lan trước đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần cho sự trưởng thành nhanh chóng của ngành Địa chất và khoáng sản Việt Nam. Tuy vậy, có sự gián đoạn trong thời gian gần đây, do vậy Bộ TN&MT Việt Nam hiện chưa có chương trình hợp tác chính thức với các đối tác Ba Lan tương ứng.
Để tiếp nối truyền thống hợp tác giữa hai nước, Bộ TN&MT đã giao Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản làm đầu mối xây dựng một số chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác Ba Lan trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, đồng thời chuẩn bị các hồ sơ kỹ thuật và tiến tới xây dựng một Trung tâm nghiên cứu Nhiệt đới Việt Nam - Ba Lan ở Việt Nam trong tương lai do Ba Lan tài trợ (trong đó, sẽ xây dựng trước 1 phòng thí nghiệm tại trụ sở Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản).
Việt Nam và Ba Lan tuy xa nhau về địa lý nhưng có rất nhiều điểm tương đồng về lịch sử, đặc biệt là tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác đã trải qua hơn 70 năm. Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - công nghệ rất lớn nhưng chưa được khai thác nhiều trong thời gian qua.
Bộ TN&MT, trong đó có Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản luôn mong muốn trong thời gian tới sẽ ký kết hợp tác chính thức với cơ quan tương ứng của Ba Lan. Đây sẽ là khởi đầu một thời kỳ mới, một sự nỗ lực chung trong hợp tác khoa học - công nghệ giữa hai nước Việt Nam và Ba Lan hiệu quả và thiết thực hơn vì lợi ích của hai dân tộc.