Say sóng, “say chuyện” người Khí tượng
Nhận được tin sẽ được đi thực tế ở đảo Hòn Ngư với Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) và Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi xách ba lô háo hức lên đường, bởi đây cũng là lần đầu tiên tôi được đi đảo tiền tiêu kể từ khi được theo dõi lĩnh vực KTTV.
Đứng từ thị xã Cửa Lò nhìn ra phía biển, Hòn Ngư thấp thoáng, ẩn hiện trong sương khói bảng lảng những ngày đầu hè. Đảo Ngư nằm cách bờ hơn 4 km, gồm hai hòn lớn nhỏ. Hòn lớn cao 133 m, hòn nhỏ cao 88 m so với mặt nước biển. Diện tích đảo vỏn vẹn 2,5 km2. Tại đảo có một trạm khí tượng hải văn đặt trên điểm cao nhất của đảo. Trạm chia thành hai điểm, điểm quan trắc nước biển nằm ở dưới chân hòn nhỏ, còn vườn khí tượng được đặt ở trên đỉnh núi. Mục tiêu của đoàn trong chuyến công tác này là lên thăm những quan trắc viên của Trạm đang làm công việc “canh trời, canh biển” tại đây.
Vườn khí tượng trên đỉnh núi. |
Khoảng 8 giờ sáng, đoàn chúng tôi xuất phát ra đảo trên chiếc tàu quân sự từ biển Cửa Lò. Bằng mắt thường nhìn ra phía đảo, có cảm tưởng như một người bơi giỏi chỉ cần bơi một mạch cũng có thể ra tới nơi. Ấy thế mà khi lên tàu, một đồng chí bộ đội nói phải đi mất khoảng 30 phút mới tới Hòn Ngư. Vậy là hành trình ngồi trên tàu băng băng sóng nước ra đảo không dễ dàng như chúng tôi tưởng tượng. Nhiều phóng viên lần đầu đi biển, cộng với sức khỏe đã thấm mệt trong hành trình làm việc ngày hôm trước nên đã bị say sóng.
Ngồi trên tàu, có lẽ “tỉnh táo” nhất đoàn là Nguyễn Minh Phương, phóng viên Báo Lao động Thủ đô. Anh tâm sự, cuối năm 2019 đã được “tập dượt” qua chuyến hải trình 15 ngày ra chúc Tết cán bộ, chiến sĩ ở Nhà giàn nên chuyến đi này cảm giác say sóng không còn. Với Minh Phương, đó là một chuyến đi đáng nhớ bởi lần đầu tiên xa nhà lâu như vậy. Chuyến đi giúp anh nhận thức rõ hơn về nỗi vất vả của người chiến sĩ ngoài đảo xa.
Tôi hỏi suy nghĩ của anh về công việc của những chiến sĩ ngoài Nhà giàn và những người làm công tác khí tượng trên Hòn Ngư, anh trầm ngâm, thật khó để so sánh với nỗi vất vả, hiểm nguy của những chiến sĩ Nhà giàn, nhưng những quan trắc viên “đếm gió, đo mây” ở Hòn Ngư cũng rất vất vả, thiệt thòi. Điểm chung của họ là cuộc sống đều xung quanh là nước, không thường xuyên tiếp xúc với người ngoài.
“Nghề KTTV là một nghề thầm lặng, cần sự kiên trì, tỉ mỉ, đúng giờ giấc. Hơn nữa, cuộc sống của những quan trắc viên ngoài đảo lại thiếu thốn trăm bề. Do đó, theo mình, những người làm công tác khí tượng phải là những người rất gắn bó và yêu nghề mới có thể làm được”, anh Phương tâm sự. Câu chuyện về nghề Khí tượng với những con người bám đảo bốn bề sóng gió cứ cuốn tôi đi tới đảo lúc nào không hay…
Quan trắc viên Nguyễn Ngọc Sơn lấy các số liệu quan trắc trên vườn khí tượng.
|
Canh trời, canh gió, đo mưa
Khoảng 9 giờ sáng, tàu cập bến Đảo Ngư. Cả đoàn tạm nghỉ chân dưới những tán lá xanh rợp bóng cây của ngôi chùa cổ. Chùa nằm ở phía Tây đảo Ngư, được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII. Chùa có chùa Thượng và chùa Hạ, mỗi chùa có 3 gian lợp ngói âm dương. Các xà hạ khắc chạm các vật tứ linh rất đẹp. Ngoài chùa còn có vườn chùa với nhiều cây xanh mọc tự nhiên và 1 giếng nước ngọt gọi là Giếng Ngọc. Sân chùa có 2 cây lộc vừng rất lớn đã vài trăm năm tuổi.
Từ ngôi chùa, để đến Trạm khí tượng, cả đoàn phải vượt qua khoảng 1 km đường dốc quanh co vượt núi. Có những đoạn dốc thẳng đứng, đoạn khác lại thoải theo triền núi, men dưới những tán cây xanh mát. Trạm Khí tượng Hải văn đảo Ngư được biên chế 3 người. Anh Hoàng Huy là Trạm trưởng, hai quan trắc viên là anh Nguyễn Ngọc Sơn và anh Nguyễn Cảnh Long. Tất cả đều là người Nghệ An. Nhiệm vụ hằng ngày của các anh là lên đỉnh núi đo hướng gió, nhiệt độ không khí rồi xuống gần mặt biển để quan trắc nước. Công việc nói gọn chỉ có vậy mà lắm gian nan.
Làn da rám nắng gió biển miền Trung, anh Nguyễn Ngọc Sơn cho biết đã có “thâm niên” làm việc tại đảo Ngư 11 năm. Công việc hàng ngày của các quan trắc viên như anh là thu thập số liệu nhiệt độ mặt đất, không khí, độ ẩm, gió, nắng, mây, mưa trên vườn khí tượng và thu thập thông tin dưới trạm hải văn sát biển. Một ngày phải đi “ốp” 4 lần vào lúc 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ. Các số liệu quan trắc được chuyển về trụ sở Đài Bắc Trung Bộ tại TP. Vinh tổng hợp và gửi ra Tổng cục KTTV.
Anh Sơn tâm sự, vất vả nhất đối với các quan trắc viên ở đây là mùa mưa bão, khi phải ghi số liệu 30 phút một lần để gửi đi. Hơn nữa, những lúc gió bão, sấm sét lóa trời, mọi người được nghỉ ngơi, tránh trú thì mình lại bận rộn nhất. Đặc biệt, lên trạm ghi thông số trong lúc mưa bão, sấm chớp cũng rất nguy hiểm.
Hỏi Sơn về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghề, anh bảo đó là mùa bão năm 2017. Chỉ tính trong vòng 6 tháng cuối năm đã xuất hiện 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào biển Đông, một con số kỷ lục chưa từng thấy của ngành quan trắc kể từ năm 1964. “Mình nhớ hôm ấy bão về, buổi tối từ trên vườn khí tượng đi xuống, sấm chớp xé trời khiến cả con đường sáng lóa, mình cứ cúi mặt mà đi. Xuống đến chân núi thì trạm tan hoang cả, một chút đồ ăn cũng không còn”, Nguyễn Ngọc Sơn nhớ lại.
Cùng Nguyễn Ngọc Sơn, Trạm trưởng Hoàng Huy cũng đã có hơn 2 năm bám đảo Ngư. Anh nói công việc trên đảo đã thành nền nếp: Nếu người này lên trạm bề mặt thì người kia xuống trạm hải văn, người còn lại sẽ nấu ăn. Với Hoàng Huy, khó khăn nhất khi sống và làm việc trên đảo là việc đi về đất liền thăm gia đình hoặc khi gia đình có việc gấp. Ngoài ra, đảo hiện cũng chưa có điện, thiếu nước ngọt, phải dựa hoàn toàn vào nước mưa nên rất bất tiện.
“Khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng có niềm vui, nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đặc biệt, hơn 2 năm trên đảo là 2 năm mình ăn Tết cùng cán bộ, chiến sĩ tại đây. Những lúc đó mới hiểu thế nào là tình quân dân, thấy gắn bó hơn với công việc của mình”, anh Huy tâm sự.
Trạm trưởng Hoàng Huy đang lấy các thông số ở trạm hải văn. |
Những cống hiến thầm lặng
Tham gia cùng đoàn chúng tôi trong chuyến ra đảo, Phó Giám đốc Đài KTTV Bắc Trung Bộ Lê Đức Cương cho biết, Trạm Khí tượng Hải văn đảo Ngư là một trong các trạm thuộc mạng lưới các trạm điều tra cơ bản phục vụ dự báo. Các số liệu quan trắc hàng ngày sẽ được gửi về Đài KTTV Bắc Trung Bộ tổng hợp, sau đó chuyển về Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia để đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhằm phục vụ cho việc phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Chứng kiến cuộc sống và làm việc còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của các quan trắc viên Trạm, ông nói rất chia sẻ và thấu hiểu. Bởi ông cũng từng có hơn 3 năm “bám” Trạm KTTV đảo Trường Sa Lớn ngày mới ra trường.
Một trong những băn khoăn của ông Lê Đức Cương lúc này là mặc dù công tác tại Trạm đảo Ngư rất thiệt thòi, nhưng chính sách ưu đãi đối với quan trắc viên ngoài đảo chỉ là hỗ trợ tiền ăn, ngoài ra không có thêm ưu đãi nào khác. Về hướng cung cấp điện cho đảo, ông cho biết cũng có tính đến phương án dùng điện mặt trời nhưng được biết hiện đang có dự án đưa điện lưới ra đảo nên lãnh đạo Đài động viên anh em chịu khó chờ đợi.
Đoàn trở lại tàu để về đất liền khi thời gian đã chuyển sang chiều. Ngồi trên boong tàu lộng gió biển, nhìn về phía đảo Ngư xa dần, tôi cứ hình dung ra dáng Nguyễn Ngọc Sơn đang lom khom trèo lên trạm bề mặt tít đỉnh núi, tay cầm cuốn sổ và cây bút để lấy thông số cho “ốp” đầu chiều, anh Hoàng Huy đang lúi húi ở trạm hải văn dưới mặt biển. Hình ảnh các anh giúp tôi hiểu hơn, trân trọng hơn công việc thầm lặng mà đáng quý của những người làm công tác khí tượng nơi đảo tiền tiêu.