Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa XV.
Cụ thể ông Nguyễn Đức Chung cho biết, từ năm 1999 đến nay, thành phố Hà Nội đã rất tích cực triển khai việc cải tạo chung cư cũ, song đến nay, mới chỉ cải tạo, xây mới được 14 chung cư trên tổng số hơn 1.500 chung cư cũ.
Riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có 120 chung cư cũ, Thành phố đã giao cho quận rà soát, kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo phương án chủ đầu tư thỏa thuận với cư dân, di dời dân cư trên cơ sở tính toán hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với chủ đầu tư và bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn quy hoạch của Thành phố.
Trước đó, ngày 6/11, UBND TP.Hà Nội cũng đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng về đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, trong đó có vấn đề cải tạo chung cư cũ.
Lãnh đạo Hà Nội cho rằng đối với các khu chung cư cũ nằm trong khu vực nội đô lịch sử hạn chế phát triển (4 quận nội thành cũ: quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) phải tuân thủ các quy định quản lý của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử (hạn chế xây dựng cao tầng, không tăng dân số); do vậy rất khó kêu gọi các nhà đầu tư, chưa tạo cho TP chủ động trong việc xem xét điều chỉnh đối với từng dự án, khó thực hiện, dẫn đến thời gian kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn vốn nhà nước hoặc hình thức BT là không phù hợp, do mất nhiều thời gian, trong điều kiện ngân sách hạn chế. Xã hội hóa cải tạo chung cư là cần thiết, nhưng nhà đầu tư phải được tất cả các chủ sở hữu nhà thống nhất để được đầu tư, trong khi một số hộ gia đình kinh doanh ở tầng 1 thường không đồng ý hoặc yêu cầu hệ số đền bù cao.
Việc giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn do quy định nhà đầu tư phải thỏa thuận với chủ sở hữu nhà, nhưng nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể về thỏa thuận, hệ số chuyển đổi diện tích, xử lý khi đa số hộ dân đồng ý nhưng một số ít không đồng ý...
Do đó, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với địa phương đề xuất với Trung ương cho phép Hà Nội ban hành cơ chế đặc thù để giải quyết việc cải tạo các chung cư này.
Liên quan đến vấn đề này, UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ Xây dựng trước khi cuộc họp nêu trên diễn ra. Theo đó để gỡ vướng, UBND TP đã kiến nghị Bộ nghiên cứu, dự thảo sửa đổi khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở thành: “Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng được trên 70% chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cự thông qua Hội nghị nhà chung cư”. Đồng thời bổ sung quy định chế tài được cưỡng chế phá dỡ đối với các chủ sở hữu còn lại không đồng ý phá dỡ.
UBND TP cũng kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết của dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trước khi thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án và chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư làm cơ sở để triển khai thực hiện. 4.
Ngoài ra, để có thể chủ động trong việc xem xét điều chỉnh đối với từng khu chung cư cũ, tránh trường hợp đối với mỗi dự án là một lần đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận, TP kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép UBND Thành phố được chủ động quyết định việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch về dân số, tầng cao công trình trong khu vực nội đô lịch sử, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng dự án và khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực.
Thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND Thành phố được chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ theo hình thức xã hội hóa khi các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được chủ đầu tư theo quy định.
Việc chỉ định này theo UBND TP nhằm đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư đã tự bỏ vốn của doanh nghiệp...