Hội thảo tham vấn xây dựng Dự án “Chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long”

28/03/2019 09:06

(TN&MT) - Ngày 27/3, tại An Giang, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Dự án “Chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long” vận động nguồn vốn từ Quỹ Khí hậu Xanh. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL, các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế.

thao1
Quang cảnh Hội thảo tham vấn xây dựng Dự án “Chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long”

Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, bao gồm: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ, với diện tích khoản 500.000ha, chiếm khoảng 20% diện tích vùng ĐBSCL. Đây là khu vực sản xuất nông nghiệp quan trọng với thế mạnh là lúa gạo, thuỷ sản, cây ăn trái của cả vùng ĐBSCL và cả nước. Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên giáp biên giới thượng nguồn Campuchia, có lợi thế về nguồn nước cho sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của BĐKH, Tiểu vùng đối mặt với nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp và đảm bảo sinh kế cho người dân.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, do ảnh hưởng của BĐKH trong thời gian qua đã làm cho 4 tỉnh trong Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên đối mặt với khô hạn, lũ cao thấp bất thường. Trong thâm canh lúa, phù sa vào bên trong đồng ruộng hạn chế khiến gia tăng chi phí canh tác, giảm lợi nhuận trong canh tác lúa; hệ thống đê bao khép kính ảnh hưởng đến hệ thống thuỷ văn của vùng ĐBSCL, gây ảnh hưởng đến không gian hấp thu và trữ lũ của vùng tứ giác Long Xuyên vào mùa lũ…
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các tỉnh trong Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên còn đối mặt với thách thức về thị trường, khi cơ sở hạ tầng và logistic cho sản phẩm nông nghiệp còn bị cắt khúc, vừa yếu vừa thiếu đồng bộ; các địa phương trong vùng còn thiếu liên kết và hợp tác trong chuỗi giá trị ngành hàng; mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm nông nghiệp, nhất là gạo, cá tra, tôm, rau màu... còn hạn chế và đầu ra chủ yếu bán sản phẩm thô, khả năng cạnh tranh kém và chưa có thương hiệu mang tên tuổi vùng miền.

thao2
Nhiều diện tích đất trồng lúa ở một tỉnh đã được chuyển sang trồng các loại cây khác để thích ứng với BĐKH

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững vùng ĐBSCL và Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên trong thời gian tới, các tỉnh, thành cần có sự chuyển mình theo những định hướng chiến lược của Trung ương đã đề ra như Quyết định 593 của Thủ tướng chính phủ về quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Dự án “Chuyển đổi đồng bằng sông Cửu Long” là một phần của Chương trình đa quốc gia bao gồm Việt Nam và Campuchia do Quỹ Khí hậu xanh (CGF) của Liên Hợp Quốc tài trợ. Mục tiêu của Dự án là nhân rộng chuyển đổi sinh kế của nông hộ nhỏ sang những mô hình chống chịu khí hậu và tăng cường sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị dựa vào lũ ở các khu vực được chọn.  

Tại Việt Nam, Dự án tập trung vào các tỉnh thượng nguồn ĐBSCL, cụ thể là ở các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Dự án gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1 là hỗ trợ thực hiện các chính sách liên quan đến tính chống chịu khí hậu cho ĐBSCL; hợp phần 2 là nhân rộng tính chống chịu với biến đổi khí hậu cho các dự án liên tỉnh và hợp phần 3 là quản lý và giám sát Dự án...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo tham vấn xây dựng Dự án “Chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO