Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V (Giai đoạn 2016 - 2022): Chất lượng môi trường đã nâng lên rõ rệt

Linh Chi| 03/08/2022 14:43

(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2016 - 2022, đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho công tác BVMT ở nước ta trong những năm tiếp theo.

Cơ quan chức năng đánh giá, thời gian qua, chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện, nâng lên một bước; hình thành được phương thức, tư duy quản lý mới các vấn đề môi trường, trọng tâm là chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm.

Chất lượng các thành phần môi trường được cải thiện

Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức tăng trưởng cao, đồng nghĩa với việc phát sinh ra môi trường khối lượng lớn chất thải; đầu nhiệm kỳ (tháng 4 năm 2016) đã xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, chính trị, kinh tế của khu vực; gây tác động rất nghiêm trọng lên các thành phần môi trường và hệ sinh thái biển. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ TNMT cùng các bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, hữu hiệu từng bước kiểm soát tốc độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục sự cố, các điểm nóng môi trường.

Bảo vệ chất lượng các thành phần môi trường được xác định là nền tảng và mục tiêu hình thành và duy trì các hoạt động kiểm soát ô nhiễm và BVMT. Do đó, giai đoạn 2016 - 2022, công tác quản lý chất lượng các thành phần môi trường đã được chú trọng, chuyển dần từ cơ chế bị động sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, giám sát ô nhiễm. Việc quy định xem xét “yếu tố nhạy cảm về môi trường” lần đầu tiên được Luật hóa khi phân loại dự án đầu tư nhằm ngăn chặn ngay từ khâu hình thành nguồn ô nhiễm.

t33.jpg

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV. Ảnh: Hoàng Minh

Đến nay, các thành phần môi trường nước mặt lục địa tại các lưu vực sông vẫn duy trì chất lượng tốt, khá tốt ở phần trung lưu, thượng lưu; chỉ còn một số đoạn sông chảy qua nội đô, nội thị hoặc các khu vực tập trung phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề còn cục bộ ô nhiễm. Môi trường nước dưới đất có chất lượng tương đối tốt, tuy nhiên, cũng đang phải đối mặt một số vấn đề như cạn kiệt, xâm nhập mặn trong các tầng chứa nước nhạt ở một số khu vực…

Môi trường nước biển và hải đảo có chất lượng khá tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm mặc dù phải chịu tác động mạnh của các hoạt động phát triển cảng biển, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản hay hoạt động phát triển du lịch biển.

Chất lượng môi trường không khí có xu hướng cải thiện trong giai đoạn 2016 - 2018; năm 2019, xuất hiện một số đợt có chất lượng kém tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; năm 2020 chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình; trong thời kỳ giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, chất lượng không khí tại các đô thị lớn có xu hướng tốt hơn.

Thành công trong bảo tồn loài, phục hồi, mở rộng hệ sinh thái

Giai đoạn 2016 - 2022, các chương trình bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (voi, hổ, linh trưởng, rùa) và các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ đã được xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý và các tổ chức bảo tồn triển khai các hoạt động bảo vệ và bảo tồn loài.

Hội nghị môi trường toàn quốc là sự kiện lớn cấp quốc gia của ngành TN&MT, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần; nhằm tổ chức đánh giá kết quả đạt được, đề xuất nhóm các giải pháp, nhiệm vụ, chiến lược trọng tâm về bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn mới, nâng tầm công tác bảo vệ môi trường là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững đất nước.

Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng và phê duyệt các chương trình/kế hoạch bảo tồn loài trên địa bàn tỉnh dưới sự hỗ trợ từ các nguồn tài trợ hoặc các đề tài/dự án có các hoạt động bảo tồn tại chỗ mà số lượng cá thể một số loài linh trưởng tăng lên, quần thể voọc mông trắng ngày càng tăng về số lượng.

Việc sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm thành công các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, có giá trị kinh tế cao đã tạo cơ hội cho phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, góp phần bảo tồn nguồn gen, làm giảm sức ép lên việc khai thác động vật hoang dã trong tự nhiên.

Bên cạnh đó, hệ thống khu vực ưu tiên bảo tồn được củng cố và mở rộng. Toàn quốc được quy hoạch 219 khu bảo tồn, 38 cơ sở bảo tồn, 21 hành lang đa dạng sinh học đến năm 2030 trên 8 vùng trong phạm vi cả nước theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Số lượng khu bảo tồn, các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế tiếp tục gia tăng. Trong 5 năm trở lại đây đã có thêm 4 Vùng đất ngập nước quan trọng quốc tế (Ramsar); 5 Vườn di sản ASEAN (AHP) được công nhận, là quốc gia có số lượng AHP đứng đầu khu vực. Tính đến nay, Việt Nam có 9 khu được công nhận là khu Ramsar, với tổng diện tích 120.549ha; 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận với tổng diện tích trên 4,3 triệu ha; là quốc gia có số lượng AHP đứng đầu khu vực; 1 vùng chim nước di cư quan trọng quốc tế tuyến đường bay Úc - Đông Á; 6 khu vực biển đã được quy hoạch là khu bảo tồn.

Hành lang pháp lý vững chắc, tạo chuyển biến trong công tác quản lý

Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, giai đoạn 2016 - 2022 là dịp để đánh giá, phân tích, làm rõ kết quả thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT đã có những bước phát triển, ngày càng hoàn thiện, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng. Đến nay, đã thiết lập được hành lang pháp lý đồng bộ trong BVMT và đa dạng sinh học với 1 Luật, 8 Nghị định, 14 Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 17 Thông tư, 12 QCVN, 11 TCVN được xây dựng và ban hành.

t33a.jpg

Khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình).

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ ngày 1/1/2022) với nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; cải cách thể chế môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với chính sách pháp luật BVMT trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Với nhiều chính sách mới mang tính đột phá, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến lớn trong công tác BVMT tại nước ta nói chung và quản lý chất thải nói riêng.

Đây cũng là giai đoạn hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác BVMT. Nhiều mô hình đô thị sinh thái, KCN sinh thái, nông thôn mới, sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường đã được triển khai thực hiện.

Để thực hiện tốt công tác BVMT trong thời gian tới, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm rất cao từ Trung ương đến địa phương, sự chung tay của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V (Giai đoạn 2016 - 2022): Chất lượng môi trường đã nâng lên rõ rệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO