Hội LHPN Sơn La lấy ý kiến tham gia Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Nguyễn Nga| 22/02/2023 17:12

(TN&MT) - Ngày 21/2, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham dự Hội thảo có 50 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành của tỉnh Sơn La, các phòng ban chuyên môn của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.

a1(1).jpg

Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo đã tập trung lấy ý kiến về 9 vấn đề trọng tâm, gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) Phát triển quỹ đất; (4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;

(5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) Hộ gia đình sử dụng đất.

Các đại biểu dự hội thảo cơ bản nhất trí về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai; tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất; quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất;

Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất. Một số nội dung đặc thù tại địa phương mà hội viên, phụ nữ quan tâm.

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề cấp GCNQSDĐ mang tên cả vợ và chồng, Luật Đất đai 2013 quy định cả vợ và chồng cùng đứng tên trên GCN đã làm tăng tỷ lệ GCN có cả tên vợ và chồng, đảm bảo quyền của phụ nữ nói riêng và quyền của người sử dụng đất nói chung, tạo cơ hội cho phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động KT-HX.

Song trên thực tế, việc cấp GCN với hộ gia đình và đối tượng là vợ và chồng có chung quyền sử dụng đất mà mới có tên người chồng vẫn còn nhiều. Nguyên nhân do nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế trong triển khai cấp đổi, người dân không nắm rõ các quy định pháp luật để có yêu cầu cấp đổi.

Cộng thêm, khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định “Việc cấp đổi GCN đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang GCNQSDĐ để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu”; được giữ nguyên tại khoản 4 Điều 143 Dự thảo Luật đất đai. Pháp luật cũng không có cơ chế bắt buộc phải đổi GCN, vô hình chung làm mất ý nghĩa của quy định cấp GCNQSDĐ phải ghi tên của họ, tên vợ và họ, tên chồng.

Do đó, đa số các đại biểu đồng thuận với việc, nên quy định theo hướng cấp đổi GCN đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là trách nhiệm của Chính phủ, không thể xuất phát từ yêu cầu của người dân. Cụ thể, là sửa khoản 4 Điều 143 dự thảo Luật.

Các đại biểu cũng đề xuất, cần rà soát đồng bộ để thống nhất quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; có sự điều chỉnh tại dự thảo để phù hợp với Luật Kinh doanh bất động sản; quy định cụ thể việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; nguyên tắc định giá đất; quy định quản lý, sử dụng các loại đất; thu ngắn thời hạn xử lý tranh chấp đất đai...

Phát biểu tại Hội thảo, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam đã tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của đại biểu để gửi tới các cơ quan chức năng. Đây là hoạt động thiết thực nhằm góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân nói chung, hội viên, phụ nữ nói riêng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội LHPN Sơn La lấy ý kiến tham gia Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO