Theo Báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Lưu vực sông Hồng - Thái Bình là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên là 169.000 km2 . Trong đó phần lưu vực nằm ở Việt Nam là 88.680 km2 chiếm 51,3% diện tích lưu vực.
Theo đó, phạm vi quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Hồng – Thái Bình gồm 25 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, QUảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình.
Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu bảo đảm an ninh tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu trên lưu vực sông, điều hòa, phân bổ nguồn nước một cách phù hợp, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước, nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; phục hồi các nguồn nước, cảnh quan môi trường các dòng sông bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng.
Để đạt được các mục tiêu, Quy hoạch sẽ triển khai thực hiện các nhóm nội dung chính bao gồm: Đánh giá số lượng, chất lượng của nguồn nước và dự báo xu thế biến động dòng chảy, mực nước của các tầng chứa nước; Đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Phân vùng chức năng của nguồn nước; Xác định tỷ lệ phân bổ tài nguyên nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước; Xác định nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước;…
Góp ý tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến đề nghị, nội dung Quy hoạch cần chỉ rõ về nhiệm vụ, giải pháp lộ trình, kỳ quy hoạch để thực hiện. Trong đó, cần lưu ý những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để giải quyết các vấn đề sau: Có các phương án, giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề mâu thuẫn, lãng phí sử dụng nước trên lưu vực; các giải pháp chi tiết phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm; vấn đề sử dụng nước tạo cảnh quan;…
Đồng thời cần có đề xuất cụ thể về ngưỡng khai thác, dòng chảy tối thiểu cần duy trì trên từng đoạn sông, đề xuất được các vị trí trên các đoạn sông cần phải cập nhật mặt cắt phục vụ công tác quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch; đối với nước dưới đất, cần phân vùng chi tiết hơn, xác định trữ lượng có thể khai thác, và xác định quy mô, mật độ công trình khai thác cho từng vùng; cần phải có giải pháp, chỉ số kiểm soát việc nạo vét sông, kênh, cải tạo lòng bờ, bãi sông đảm bảo tính công bằng trong việc tiếp cận nguồn nước của các đối tượng khai thác, nhất là việc tiếp cận nguồn nước của các công trình thủy lợi hiện có.
Gs Nguyễn Tiền Giang, Uỷ viên phản biện 2 cho biết, Quy hoạch phải xem xét tính đến quy hoạch công trình phát triển tài nguyên nước trên dòng chính sông Hồng kết hợp tạo nguồn cung cấp nước cho hệ thống lấy nước ven sông, tạo cảnh quan ven sông và những tác động của nó về mặt lợi ích kinh tế-xã hội môi trường. Bên cạnh đó, cần rà soát và phân tích đầy đủ hiện trạng và vấn đề của từng nội dung quy hoạch để có cơ sở đưa ra các mục tiêu quy hoạch phù hợp; bổ sung công trình phục vụ tưới cho nông nghiệp, đặc điểm nhu cầu tưới cho nông nghiệp theo tháng, mùa, năm…
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng góp ý đơn vị chủ trì thực hiện Quy hoạch cần xem xét bổ sung các văn bản pháp lý có quy định pháp luật về quy hoạch tài nguyên nước; báo cáo tóm tắt bản đồ quy định kỹ thuật tổng thể về lưu vực sông liên tỉnh; chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia 2021-2030;… Bên cạnh đó, đối với nội dung có liên quan đến biên giới hải đảo, chiến lược về quốc phòng an ninh thì cần có sự thống nhất với Bộ quốc phòng và Bộ Công an.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng đã nghiên cứu tài liệu một cách nghiêm túc để đưa ra những ý kiến đóng góp rất chi tiết, mang tính chất xây dựng cho bản Quy hoạch đảm bảo chất lượng và phù hợp với các quy hoạch cấp cao hơn, cũng như các quy hoạch của các ngành có liên quan.
Thứ trưởng cũng đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tiếp thu tất cả các ý kiến của các thành viên hội đồng tiếp tục hoàn thiện bản Quy hoạch trước khi trình Bộ để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.