Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, đơn vị chủ trì lập Quy hoạch cho biết, Lưu vực sông Cửu Long (LVSCL) có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với tiềm năng nông nghiệp lớn, trong nhiều năm qua, LVSCL luôn đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa gạo, 70% lượng trái cây của cả nước, và đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Nguồn nước LVSCL được đánh giá là dồi dào với tổng lượng tài nguyên nước hàng năm khoảng 474 tỷ m3, trong đó lượng nước nội sinh từ mưa trên LVSCL khoảng 30 tỷ m3 và lượng nước từ thượng lưu chảy về LVSCL khoảng 441 tỷ m3.
Hiện nay, LVSCL đã và đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như nước biển dâng (NBD), hạn hán, gia tăng xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất, các tác động do khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng lưu Mê Công...
Chính vì vậy, việc lập và phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.
Theo đó, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu bảo đảm an ninh tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu trên lưu vực sông, điều hòa, phân bổ nguồn nước một cách phù hợp, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước, nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; phục hồi các nguồn nước, cảnh quan môi trường các dòng sông bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng.
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm diện tích 13 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Long An, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, với diện tích 39.945 km2.
Quy hoạch sẽ triển khai thực hiện các nhóm nội dung chính bao gồm: Đánh giá số lượng, chất lượng của nguồn nước và dự báo xu thế biến động dòng chảy, mực nước của các tầng chứa nước; Đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Dự báo nhu cầu sử dụng nước; Phân vùng chức năng của nguồn nước; …
Góp ý tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, quy hoạch cần rà soát, cập nhật về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước và các chủ trương khác có liên quan để giải quyết các vấn đề cốt lõi về tài nguyên nước trên lưu vực nhằm đảm bảo nước cho các mục đích sử dụng, nước cho cảnh quan môi trường, phục hồi dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn và tác động của nguồn nước liên quốc gia.
Về nội dung và giải pháp Quy hoạch, căn cứ vào các định hướng trong phương hướng khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông trên lãnh thổ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg, cần cụ thể hóa các nội dung trong quy hoạch vùng theo hướng lấy tài nguyên nước làm cốt lõi, quy hoạch tài nguyên nước là cơ sở để định hướng khai thác sử dụng nước cho các ngành dùng nước chính.
Đại diện của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn đề nghị cần bổ sung thêm cơ sở pháp lý vẫn còn đang thiếu tại một số vùng, làm rõ tính khả thi của mục tiêu, đồng thời cập nhập số liệu mới đói với các khu vực sạt lở, rà soát lại các kết quả tính toán về lượng nước mặt nội sinh, cần làm rõ phương pháp tính toán, ý nghĩa và các thành phần tạo nên nước mặt nội sinh ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Về phân vùng chức năng nguồn nước, cần bổ sung thêm phân tích về hiện trạng khai thác sử dụng nước, hiện trạng xả thải, cũng như các quy hoạch phát triển về khai thác sử dụng nước và xả thải trên các đoạn sông để làm căn cứ phân vùng chức năng nguồn nước cho các đoạn sông;….
Bên cạnh đó, các đại diện các tỉnh cũng đề nghị làm rõ hơn các kế hoạch, định hướng của từng vùng.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng cũng đã góp ý chi tiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ sản phẩm của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng cũng thống nhất thông qua Quy hoạch sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên hội đồng trước khi trình phê duyệt.
Kết luận cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng rất chi tiết, mang tính chất xây dựng cho bản Quy hoạch đảm bảo chất lượng và phù hợp với các quy hoạch cấp cao hơn, cũng như các quy hoạch của các ngành có liên quan.
Cục trưởng cũng đề nghị đội tư vấn tiếp thu có giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng. Đồng thời, trong Dự thảo quy hoạch lưu vực sông Cửu Long tiếp tục rà soát, làm rõ nổi bật, bám sát nội dung liên quan đến văn bản, ý kiến chỉ đạo chung bao gồm: Quy hoạch vùng; nghị quyết số 13- NQ/TW của Bộ chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nội dung về tính toán, đánh giá liên quan đến hồ sơ, báo cáo về đánh giá tác động dòng chảy sông Mê – Kông; vấn đề bảo đảm tài nguyên nước quốc gia.