Hệ thống kè mềm tại Cửa Đại đã không phát huy được tác dụng |
Vẫn chưa có giải pháp đồng bộ cứu biển Cửa Đại
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp để chống sạt lở biển Cửa Đại như: kè bê tông, kè mềm theo công nghệ của Hà Lan nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Sạt lở tại đây vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Việc triển khai thực hiện phương án kè mỏ hàn bằng cừ Larsen cũng chỉ là giải pháp thử nghiệm trong khi chờ đợi để đưa ra giải pháp tổng thể cứu bờ biển Cửa Đại vào giữa năm 2018.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, đã có nhiều giải pháp được đưa ra để tính toán, nhiều đoàn trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp đồng bộ, khả thi. Phương án kè mềm trong thời gian qua chỉ là giải pháp cấp bách của thành phố, nó chỉ giải quyết chống sạt lở cục bộ trong những lúc thời tiết bất lợi, chứ còn lâu dài thì cần phải tính toán lại.
Nhiều khu khách sạn cao cấp bị sóng biển đánh sập đã bỏ hoang |
PGS. TS Nguyễn Trung Việt- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi Miền Trung nhận định rằng: Tình hình sạt lở biển Cửa Đại đang đi theo vòng luẩn quẩn, cứ lở đến đâu rồi lại kè đến đó. Trong khi đó, nguyên nhân được nhận định là do thiên tai và cả nhân tai. Đáng kể đến là các bờ kè mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu phương án đồng bộ khiến kè ở chỗ này thì lại lở ở chỗ khác. Hiện nay vùng cửa sông, ven biển của Quảng Nam chưa có quy hoạch tổng thể về khai thác phát triển tiềm năng và phòng chống thiên tai cho hệ thống cửa sông, nhiều giải pháp, công trình đưa ra mang tính cục bộ cũng như việc thử nghiệm chưa dựa trên kết quả của việc nghiên cứu đồng bộ có xét đến ảnh hưởng tổng thể của tất cả quá trình tương tác động lực bùn cát sông biển. Do vậy, nhiều khi việc phòng chống xói lở, bồi tụ ở khu vực này lại gây sạt lở cho các vùng khác.
Trên thực tế, các nhà khoa học đã nhận định, vào mùa nắng nóng, hiện tượng bồi lấp bờ biển trở lại có diễn ra nhưng tốc độ không cao là một trở ngại khi so sánh với tình hình sạt lở diễn ra đến mức chóng mặt trong mùa mưa bão. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân tiềm tàng gây xói lở ở Cửa Đại là sự suy giảm lượng bùn cát ở thượng lưu. Kết quả nghiên cứu cuả các nhà khoa học cho thấy, sự dịch chuyển xói lở ở Cửa Đại đang tiến dần về phía Bắc bắt đầu từ cửa sông. Nếu không có nghiên cứu tổng thể và biện pháp bảo vệ, tình trạng xói lở có thể tiếp tục xảy ra ở bãi biển An Bàng và biển Hà My của TX. Điện Bàn, nên cần phải nghiên cứu và tìm hiểu thật cụ thể để có phương án đồng bộ mới có thể giải quyết được căn cơ bản chất của vấn đề. Mấy tháng qua, các bờ kè mềm tại Cửa Đại đã tạo ra hai sóng phản xạ gặp nhau, tạo nên dòng chảy mạnh và dễ gây xói lở làm sụt lún bờ kè. Hiện nay, đoạn bờ cách cửa biển khoảng 400 m đã bị xâm thực vào đến sông Thu Bồn với chiều rộng khoảng 70m.
Phải hơn 2 tháng nữa mới đánh giá được hiệu quả của phương án kè mỏ hàn bằng cừ Larsen tại Cửa Đại |
Phương án kè mỏ hàn sau 3 tháng mới đánh giá được hiệu quả
Để hạn chế việc xâm thực của sóng biển và gây xói lở tại vị trí bị xâm thực vào đến sông Thu Bồn, UBND TP. Hội An đã có phương án thử nghiệm kè mỏ hàn dài 200m bằng cừ Larsen tại vị trí bị xâm thực thông với sông. Đồng thời, gia cố đầu kè mỏ hàn tại vị trí bờ bằng cừ Larsen dài 30m về hướng Tây và các tường chống kè mỏ hàn bằng cừ Larsen rộng trung bình 8m nhằm bảo vệ mỏ kè hàn dưới tác động của dòng chảy. Đây là giải pháp tình thế, cấp bách với mục tiêu giữ ổn định bờ để tạo bãi cho bờ biển Cửa Đại nhưng không phá vỡ giải pháp tổng thể sẽ được thực hiện sau này.
Ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, cho biết: Để chống sạt lở đang diễn biến nghiêm trọng tại khu vực Cửa Đại, trong khi chưa có giải pháp tổng thể, chính quyền TP. Hội An đã hợp đồng với Công ty TNHH xây dựng TM-DV Cựu Phú Lâm để triển khai thử nghiệm phương án làm kè mỏ hàn, giải pháp này đã được áp dụng hiệu quả tại tỉnh Quảng Ngãi với chiều dài 200 m bằng cừ Larsen (cọc, vật liệu sắt tấm) tại khu vực biển Phước Hải.
Nếu thành công, chính quyền TP. Hội An sẽ mua cừ mới để tiếp tục phương án kè mỏ hàn chống xói lở bờ biển Cửa Đại |
Theo đó, Công ty TNHH xây dựng TM-DV Cựu Phú Lâm sẽ tiến hành đóng cừ trong thời gian khoảng 20 - 25 ngày, tùy thuộc vào tình hình thời tiết. Tính đến nay, Công ty này đã đóng được khoảng 140 m. Riêng đoạn kè 60m thực hiện trước Tết Nguyên đán, hiện đã phát huy hiệu quả khi tạo vệt cát bồi khoảng 2 m; tuy nhiên cần phải hoàn tất chiều dài 200m và sau 3 tháng mới có thể đánh giá chính xác hiệu quả của phương án này. Đây là công trình sử dụng các thanh cừ được đóng xiên với chiều dòng chảy khoảng 6 m để tạo thành thân mỏ. Loại công trình này được ứng dụng nhiều tại Trung Quốc và Bangladet nó tác động vào dòng chảy theo chiều ngược lại, đón dòng nước mặt có động năng lớn đẩy sang bờ đối diện với bờ lở để dòng chảy đáy mang nhiều bùn cát buộc phải đi vào bờ lở để lấp hố sâu, không chế một cách cơ bản xu thế sạt lở bờ. Nếu phương án này thành công, TP. Hội An sẽ mua cừ mới và tiếp tục hợp đồng với Công ty Cựu Phú Lâm triển khai đóng cừ ở các đoạn sạt lở khác. Hiện tại, kinh phí thực hiện 200m kè thử nghiệm này là hơn 6 tỷ đồng với phương án thuê cừ trong 2 tháng, sau đó thu hồi cừ và gần 16 tỷ đồng với phương án không thu hồi cừ sau 2 tháng thử nghiệm.
Bài & ảnh: Dương Bùi