Hội An: Hấp dẫn màn thi đấu Cờ người trong Năm Du lịch Quốc gia

Thanh Hải - Dinh Trấn Võ| 28/03/2022 16:57

Cờ người là một loại hình diễn xướng cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Không biết Cờ người có từ bao giờ nhưng cứ mỗi lần có hội hè, lễ Tết thì người ta lại thấy nhiều địa phương trên cả nước tổ chức Cờ người. Vào dịp cuối tháng 3 năm nay, người dân và du khách đến Hội An được thưởng thức những tiết mục thi đấu Cờ người hấp dẫn, độc đáo trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia Quảng Nam 2022.

a0.jpg

Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, Cờ người vẫn luôn giữ cho mình nét đẹp truyền thống của một trò chơi dân gian trí tuệ

Cờ người thực ra là một hình thức mượn con người để minh họa cho một ván cờ Tướng do 2 kỳ thủ trực tiếp thi đấu trên sân.

Khi tổ chức Cờ người, người ta vẽ một bàn cờ Tướng lớn trên mặt sân bằng phẳng rồi bố trí 32 con người mặc đồng phục 2 màu xanh, đỏ chia thành 2 phe, trên áo mỗi người có ghi tên một con cờ tướng (như Xe, Pháo, Mã, Tốt…).

Khi người đánh cờ Tướng đi nước cờ nào thì quân cờ người tương ứng sẽ di chuyển theo từng nước cờ trên bàn cờ ở sân. Khi có một quân cờ tướng bị chết thì một người đóng vai con cờ tương ứng sẽ ra khỏi sân để nhường chỗ cho người đóng vai con cờ thắng đến chiếm vị trí.

Hai người đánh cờ Tướng cứ đánh cờ cho đến khi có một người thua, ván cờ Tướng chấm dứt thì Cờ người cũng kết thúc.

Ở các hội Cờ người ở miền Bắc, tiến trình của hội Cờ người mang đậm dấu ấn diễn xướng dân gian qua các điệu múa kèm theo những bài vè đặc trưng.

Dựa vào cách chơi “Cờ người” theo kiểu miền Bắc như trên, võ đường Kỳ Sơn ở Hội An đã xây dựng thành “Cờ người võ” bằng cách đưa Võ cổ truyền vào Cờ người. Cụ thể là:

Thứ nhất, các quân “Cờ người võ” mặc trang phục tướng sĩ và binh lính triều đình ngày xưa, tay cầm binh khí nhiều loại khác nhau, chứ không mặc áo quần như quan Văn của cờ người miền Bắc.

Thứ hai, khi di chuyển thì quân “Cờ người võ” phải múa một đoạn bài quyền Võ cổ truyền Việt Nam để rời vị trí cũ đi đến một vị trí mới chứ không đi bình thường như cách di chuyển của cờ người miền Bắc.

Thứ ba, khi ăn quân thì hai quân Cờ người tương ứng phải diễn ra một số đòn thế chiến đấu, binh khí va chạm, trống giục liên hồi trước khi có một quân bị giết phải ra khỏi sân.

Tổ chức thi đấu “Cờ người võ” cũng là cách để người dân Quảng Nam - Đà Nẵng giới thiệu nét đẹp văn hoá của Võ cổ truyền bản địa được hình thành từ sự giao thoa của nhiều nền võ thuật Thanh Nghệ Tĩnh, Trung Hoa và võ Tây Sơn.

Nhìn chung, các hội Cờ người ở miền Trung và miền Nam, phần biểu diễn của các “quân cờ” có phần sống động hơn hội Cờ người ở miền Bắc. Khi cờ trống lệnh đưa ra, quân cờ phải xuất tiến tới, tấn công quân cờ đối phương bằng các thế võ như đứng tấn, múa đao, giáo, mác, hay đi một bài quyền, hoặc giáp lá cà dùng binh khí vô hiệu hoá, đánh ngã đối phương...

Mỗi nước cờ được gắn liền với một thế võ tương ứng khác nhau. Để thực hiện được điều này đòi hỏi các “quân cờ” không chỉ am hiểu Võ cổ truyền mà còn thành thục từng thế võ. Vì vậy, để được chọn vào đội thi đấu Cờ người, các võ sinh được huấn luyện võ thuật rất nhuần nhuyễn, công phu từ ba đến năm năm.

Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, Cờ người vẫn luôn giữ cho mình nét đẹp truyền thống của một trò chơi dân gian trí tuệ. Không chỉ mang lại cho người tham gia và người xem những phút giây giải trí, Cờ người còn thể hiện cho tinh thần thể thao mạnh mẽ của dân tộc ta.

Dưới đây là một số hình ảnh thi đấu Cờ người tại Hội An trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia Quảng Nam 2022:

a1.jpg
a2.jpg
a3.jpg
a4.jpg
a5.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội An: Hấp dẫn màn thi đấu Cờ người trong Năm Du lịch Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO