Để hiểu rõ hơn về quá trình triển khai lấy ý kiến của người dân, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Hà Tĩnh triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh:
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, ngày 4/2/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 24-KH/UBND về việc triển khai lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tính đến nay, 13/13 đơn vị cấp huyện, Khối UBMT Tổ quốc, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các tổ chức, doanh nghiệp khác đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nghiêm túc Kế hoạch số 24-KH/UBND của UBND tỉnh.
Theo kế hoạch, việc tổ chức lấy ý kiến sẽ được triển khai đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài lấy ý kiến trực tiếp thông qua các hội nghị, hội thảo, góp ý bằng văn bản thì việc lấy ý kiến còn thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan: Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, UBMT Tổ quốc tỉnh, UBND tỉnh, Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị xã, phường, thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả tầng lớp nhân dân trong việc tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật quan trọng này.
Việc lấy ý kiến nhân dân sẽ thực hiện đến ngày 5/3/2023. Sau thời gian này, các địa phương, đơn vị theo phân công sẽ tổng hợp, gửi kết quả lấy ý kiến về Sở TN&MT. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở TN&MT là đơn vị chủ trì, đầu mối tham mưu triển khai kế hoạch, tổng hợp ý kiến nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh và Bộ TN&MT theo quy định.
PV: Thưa ông, trong quá trình tổ chức tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, những vấn đề nào được người dân quan tâm?
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh:
Thực tiễn gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, những hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân từ thay đổi các mối quan hệ kinh tế - xã hội. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thực tiễn cho thấy các điểm vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, một số nội dung bất cập không chỉ liên quan đến Luật Đất đai mà còn liên quan đến các Luật khác.
Nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá tác động của từng điều luật đến đời sống, cụ thể hóa một số điều luật, quy định của Luật Đất đai phù hợp với thực tiễn. Trên thực tế, hiện nay phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình cấp đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần được giải quyết kịp thời để hạn chế tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Quan tâm tiếp theo là việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai cần phải đáp ứng nhu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Mặt khác, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận đất đai một cách bình đẳng, minh bạch và phát huy tối đa nguồn lực đất đai.
Ngoài ra, ý kiến vào các quy định về trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
PV: Lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, xin ông cho biết thêm những định hướng lớn ở địa phương trong việc triển khai thực hiện?
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh:
Người dân trông đợi hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi sẽ giải quyết được những vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay. Do vậy, triển khai lấy ý kiến để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Trên tinh thần đó, các sở, ban, ngành chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); một số đơn vị tổ chức hội thảo để thảo luận toàn ngành cho ý kiến cụ thể. Tại UBND cấp huyện, trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội nghị triển khai và chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, UBND cấp xã triển khai thực hiện theo kế hoạch. UBND các xã chỉ đạo các thôn, khối phố thực hiện quán triệt, phổ biến Kế hoạch số 24-KH/UBND đến tận từng người dân trên địa bàn.
Các đơn vị liên quan tổ chức lấy ý kiến của nhân dân phải tập trung vào các vấn đề người dân thực sự quan tâm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân. Việc lấy ý kiến sẽ thông qua các tổ chức thành viên của MTTQ, các tổ chức xã hội khác; đại diện trong giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, các dân tộc, tôn giáo. Phương thức tiến hành phải dân chủ, khoa học, công khai; đảm bảo tiến độ, chất lượng, thiết thực, tiết kiệm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!