Doanh nghiệp - doanh nhân

Hoàn thiện đồng bộ chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tiến Trung 06/06/2024 20:54

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những chủ trương quan trọng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm trong định hướng phát triển công nghiệp. Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi và đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai các chính sách ưu đãi với ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế.

Để triển khai Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung, từ đó, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ. Có thể kể đến một số chính sách đã được ban hành trong thời gian qua như Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong đó Thủ tướng Chính phủ quyết định mức, thời gian ưu đãi đầu tư đặc biệt theo các tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước đối với các dự án đầu tư quy định tại Khoản 2, Điều 20 Luật Đầu tư.

anh-t6.jpg
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về công nghiệp hỗ trợ (Ảnh minh họa)

Nghị định số 57/2021/NĐ-CP bổ sung điểm (g) Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 20 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP. Theo đó, ngoài Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô được áp dụng từ năm 2017, Nghị định số 57 đã bổ sung thêm Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất đực nhập khẩu để sản xuất, gia công các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0%. Thời gian thực hiện của Chương trình là 5 năm (2020-2024).

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Quyết định số 337/QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, trong đó bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ…

Với việc ban hành nhiều quy định và triển khai thực hiện các giải pháp, ngành công nghiệp hỗ trợ đang từng bước nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào mạng lưới sản xuất cung ứng toàn cầu. Sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã góp phần thu hút được các tập đoàn lớn của thế giới, mở rộng nhà máy và hình thành các trung tâm R&D ở Việt Nam.

Đối với lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí đã khẳng định được vai trò đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành như dệt may, da giày đạt 50%, cơ khí đạt hơn 30%. Trên 90% số máy trong nông nghiệp, nhất là máy xay xát lúa và đánh bóng gạo, máy sấy do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và cung ứng, đồng thời đã xuất khẩu đi rất nhiều thị trường khu vực ASEAN, châu Mỹ và châu Phi. Ngoài ra, còn nhiều dây chuyền thiết bị trong việc chế biến các sản phẩm cây có hạt có thương hiệu. Một số sản phẩm đang được cung ứng cho các nhà máy cơ khí, nhất là sản xuất ôtô trong Vinfast, THACO...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, so với các nước lân cận, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có tính thực thi chưa phù hợp với sức phát triển của doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp thiệt thòi, thua kém so với doanh nghiệp cùng điều kiện, hoàn cảnh trong khu vực; chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển lĩnh vực này chưa được chú trọng nên doanh nghiệp chưa mở rộng ra thị trường toàn cầu.

Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng bày tỏ, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi vốn lớn, khả năng thu hồi lâu, trong khi chính sách ưu đãi vẫn khó tiếp cận; phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn…

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, phiên chất vấn nhóm lĩnh vực công thương diễn ra vào chiều ngày 4/6 và sáng 5/6, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai các chính sách ưu đãi với ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế. Nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương vừa ít, vừa rất khó tiếp cận, vừa chồng chéo với nhau. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi trong quy định khá ngặt nghèo, chưa thật sự phù hợp, khiến cho các doanh nghiệp rất khó tiếp cận và khó đáp ứng được yêu cầu để hưởng chính sách…

Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu để hoàn thiện đồng bộ về chính sách, trong đó có nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm, bao gồm những ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất và năng lượng. Đó là những ngành tạm coi là nền tảng của ngành công nghiệp Việt Nam và cũng là động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, tăng cường phân bổ nguồn lực cả Trung ương và địa phương để tập trung phát triển ngành này, triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện đồng bộ chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO