Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong những năm qua, với mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, KTNN đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm. Qua đó nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, trong đó công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, KTNN đã và đang thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề về đất đai. Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị về việc tuân thủ quy định pháp luật, KTNN đã phát hiện các hạn chế, vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai và kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp.
Bên cạnh đó, KTNN cũng từng bước đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Tuy nhiên, kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai mới dừng ở việc chú trọng kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước mà chưa đi sâu kiểm tra, phân tích, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai.
“Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, trao đổi quan điểm và làm rõ “bức tranh” quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam, đặc biệt là những bất cập về cơ chế, chính sách trong việc quản lý, sử dụng đất đai và vai trò của KTNN trong vấn đề này” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai trong những năm gần đây, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong công tác quản lý, giám sát từ góc nhìn pháp luật, chính sách; tính hiệu quả và bền vững trong quản lý, sử dụng đất đai.
Đặc biệt, xác định rõ vai trò của KTNN đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai; đánh giá thực trạng kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua, nhận diện được những mặt đã làm được, những hạn chế cần khắc phục.
Ngoài ra đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán quản lý, sử dụng đất đai, qua đó nâng cao chất lượng các kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các địa phương trong công tác giám sát, quản lý, sử dụng đất đai.
Theo GS. TS. Đoàn Xuân Tiên, Nguyên Phó Tổng KTNN, trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đang bộc lộ khá nhiều những tồn tại, hạn chế và bất cập, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và những biến động đa dạng, phức tạp, khó lường của thị trường đất đai và thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội trong thời gian qua.
Theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong 3 năm gần đây (từ 2019 - 2021), những tồn tại, hạn chế, sai phạm và vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai được KTNN phát hiện, kiến nghị xử lý khá nhiều và vẫn còn tình trạng lặp đi lặp lại qua các năm. Điều đó cho thấy hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN về lĩnh vực đất đai chưa cao, chưa xử lý hoặc giải quyết dứt điểm được. Các sai phạm, vi phạm, tồn tại, hạn chế phát hiện qua hoạt động kiểm toán những năm qua chủ yếu về: Về quản lý và sử dụng đất đai; Về quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; Về quản lý đất đai liên quan đến các dự án BT.
Để giải quyết vấn đề này, theo GS. TS. Đoàn Xuân Tiên, Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá.
Do đó, vai trò của KTNN được thể hiện qua một số nội dung như: đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản lý, quản trị tốt của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quyền quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên. KTNN thực hiện kiểm toán và đưa ra các ý kiến nhận xét đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, giúp tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên; kịp thời phát hiện và có bằng chứng về những dấu hiệu sai phạm, không tuân thủ pháp luật, những vi phạm tham ô, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên. Trên cơ sở đó kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng, vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ và hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên của đất nước. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai đáp ứng yêu cầu, cũng như việc thực thi nghiêm các chính sách, pháp luật đất đai, không để các cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai.
Đồng thời, thúc đẩy hệ thống quản lý, quản trị tài chính, tài sản quốc gia nói chung và đất đai, tài nguyên nói riêng của cả nước cũng như trong từng cơ quan, đơn vị, tổ chức một cách hợp lý và lành mạnh. Thông qua hoạt động kiểm tra hệ thống hoạt động quản lý, quản trị tài chính, tài sản công, KTNN cung cấp những thông tin, báo cáo hợp lý, đáng tin cậy, đảm bảo sự toàn vẹn của hệ thống tài chính, tài sản công - trong đó có đất đai, tài nguyên, qua đó đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về những rủi ro liên quan đến việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực, tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý đất đai, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực đất đai quốc gia.
Trên cơ sở đó, KTNN kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật, lạm quyền, lộng quyền, tha hóa quyền lực trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Ba là, Kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, những kẽ hở, lỗ hổng của cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai, là nguyên nhân gây tình trạng quản lý lỏng lẻo, bị lợi dụng mang lại lợi ích cho cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất đai.
Qua đó kiến nghị kịp thời khắc phục những “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, quản trị và sử dụng đất đai, tài nguyên; kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhà nước góp phần phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ lợi dụng quyền lực, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên…