Tài nguyên nước

Hoàn thiện chính sách về quản lý, sử dụng tài nguyên nước

Trường Giang - Khương Trung 26/10/2023 12:57

Giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội góp ý vào Dự thảo Luật Tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ cặn kẽ để hoàn thiện Dự thảo trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tài nguyên nước đã được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

261020230946-z4818662866984_32e740bcbbac8ed26669323f2a012455.jpg
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh lắng nghe ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước….

Vì vậy, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Cùng với đó, dự án Luật hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân.

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cũng đặt ra mục tiêu tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước. Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá.

Tại phiên thảo luận Dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi diễn ra vào ngày 26/10, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước. Dự thảo sau khi tiếp thu ý kiến của các Đại biểu tại kỳ họp thứ 5, Dự thảo Luật gồm 10 Chương, 86 Điều.

Cần thiết lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước

Thảo luận về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại hội trường, nhiều Đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 5, đồng thời đã bổ sung nhiều quy định mới, trong đó nhiều nội dung quy định xuất phát từ thực tiễn quản lý thời gian qua và những vấn đề hiện nay và trong thời gian tới về quản lý và sử dụng tài nguyên nước đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Đồng thời cho ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo luật, trong đó tập trung vào các nội dung như: bảo vệ hàng lang nguồn nước, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước, khôi phục các dòng sông ô nhiễm, bảo vệ nước ngầm…

Góp ý về quy định hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước tại Điều 7 của Dự thảo luật, đại biểu Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu và là điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số, do đó việc phát triển hạ tầng dữ liệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện vào việc thiết lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Đại biểu cho rằng, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã hướng tới cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo xu hướng hiện đại của thế giới là quản lý quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số thông qua hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, trong đó nguyên nhân là thiếu nguồn lực thực hiện. Để giải quyết tình trạng này cần thiết đầu tư hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tập trung trên phạm vi toàn quốc. Trong dự thảo luật chưa quy định rõ ràng về thời hạn lộ trình xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, vì vậy đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời hạn lộ trình hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, nhằm phục vụ cho công tác quản lý quản trị tài nguyên nước theo công nghệ số của trung ương và địa phương.

261020230843-nguyen-van-manh.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu

Đồng quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, khoản 7 Điều 7 dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 51 của luật này và pháp luật có liên quan, tuy nhiên, Điều 51 chủ yếu quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về xây dựng, vận hành, di chuyển, thay đổi, giải thể trạm quan trắc và giám sát khai thác tài nguyên nước, không quy định về nội dung thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước. Do đó, đại biểu đề nghị quy định chi tiết tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin theo Điều 51...

Phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội bày tỏ quan tâm đến nội dung về việc nâng cao khả năng giữ, tích trữ, dẫn nước, chuyển nước, khai thác, sử dụng bền vững và nâng cao giá trị của tài nguyên nước…

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Việt Nam là quốc gia mưa nhiều, sông suối dày đặc, địa hình nghiêng, sông lớn chủ yếu từ bên ngoài đổ về… Do vậy, việc giữ, tích trữ, sử dụng bền vững tài nguyên nước là rất quan trọng. Từ tinh thần đó, đại biểu Trí đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định để đảm bảo nội dung này được đưa vào quy định về các Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước; đảm bảo ưu tiên đầu tư tìm kiến, thăm dò, nâng cao khả năng giữ và tích trữ nước trong thời gian tới.

dai-bieu-nguyen-anh-tri.jpg
đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu

Góp ý về hành lang bảo vệ nguồn nước, đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp theo thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong hành lang bảo vệ nguồn nước theo pháp luật chuyên ngành đảm bảo không vi phạm điều cấm theo quy định tại Điều 8 của Luật này. Đại biểu lý giải vì liên quan đến hành lang bảo vệ nguồn nước cần đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trong hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật chuyên ngành như các chủ sở hữu, các đối tượng nằm trong diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ nguồn nước có trước thời điểm thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước cần được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện nay nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người dân đang bị ô nhiễm, nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng và trở thành các dòng sông chết. Do vậy, vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này...

Đại biểu thấy rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm hướng tới việc bảo vệ các nguồn nước, đặc biệt là chú trọng việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt. Đại biểu bày tỏ thống nhất với tên gọi tại Chương III dự thảo Luật, trong đó cũng bỏ sung các quy định về chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa; đặc biệt cũng có sửa đổi, bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước.

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân. Trước tiên phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông; nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải và các chất thải xuống dòng sông. Đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, tạo cho các dòng sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho các con sông khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm.

Nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ cặn kẽ để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp.

261020230840-z4818535047362_a7a5db7ec15047393bdb0507c8558c1c(2).jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy giải trình tiếp thu ý kiến các đại biểu

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét.

261020231010-ly-tiet-hanh-(2).jpg
Quang cảnh phiên thảo luận
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện chính sách về quản lý, sử dụng tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO