Ông Hoàng Văn Bẩy - Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT |
PV: Những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước (TNN) đã được Bộ TN&MT tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý cơ bản cho công tác quản lý TNN từ Trung ương đến địa phương. Ông có thể cho biết, một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực TNN?
Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Ngay sau khi Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, Bộ TN&MT đã tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng, trình ban hành tổng số 38 văn bản bao gồm: 6 Nghị định của Chính phủ (Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định 43/2015/NĐ-CP quy định hành lang bảo vệ nguồn nước...), 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành 18 Thông tư.
Cơ chế tài chính, chủ trương kinh tế hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được thể chế hóa trong Luật Tài nguyên nước, Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác TNN và thông qua các văn bản đã được Bộ Tài chính ban hành như quy định về quản lý nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế trong quản lý TNN, quy định tăng thuế khai thác sử dụng TNN, tiền cấp quyền khai thác TNN và quy định về phí thẩm định hồ sơ cấp phép.
Bên cạnh đó, để bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ TNN theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao nhằm giữ vững an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm nguồn nước, ngày 23/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp TNN giai đoạn 2014 - 2020.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Đến nay, Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng và đang phát huy tác dụng của cơ chế phối hợp vận hành liên hồ, điều tiết nước (bao gồm các lưu vực sông: Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srepok, Mã, Cả, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, sông Hồng, Đồng Nai và lưu vực sông Hương) nhằm giảm lũ cho hạ du, tăng hiệu quả sử dụng nước và đảm bảo nguồn nước cho sản xuất ở khu vực hạ du trong mùa cạn.
Công tác quản lý lưu vực sông, quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng TNN, điều hòa phân bổ nguồn nước trên các lưu vực sông, Cục đã trình Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ thành lập các Ủy ban Lưu vực sông, phê duyệt Danh mục Lưu vực sông gồm 392 sông liên tỉnh làm căn cứ để triển khai các hoạt động quản lý lưu vực sông, phân công, phân cấp quản lý; Bộ đã ban hành Danh mục Lưu vực sông nội tỉnh gồm trên 3.045 sông nội tỉnh.
Công tác điều tra cơ bản về TNN đã được triển khai trên tất cả các mặt: điều tra đánh giá TNN mặt, nước dưới đất; tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước.
Công tác bảo vệ TNN đã được tích cực triển khai như: xây dựng và triển khai thực hiện các quy định pháp luật để bảo vệ hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ lòng, bờ bãi sông, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; lập quy hoạch TNN,...
Về hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước liên quốc gia được quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, việc gia nhập Công ước của Việt Nam vào đầu năm 2014, với tư cách là thành viên thứ 35, đã chính thức đưa Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy sau 17 năm thông qua (từ năm 1997) chính thức có hiệu lực thi hành từ Quý III năm 2014.
Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về TNN, từ năm 2011 đến nay, việc tổ chức Lễ mít tinh quốc gia và các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22/3 hàng năm đã thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của toàn xã hội, có ý nghĩa và sức lan tỏa cao, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen và cách ứng xử với TNN ở hiện tại và tương lai;...
Bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN trên lưu vực sông. Ảnh: MH |
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý về TNN vẫn còn có nhiều khó khăn, tồn tại. Nguyên nhân có phải do còn “lỗ hổng” trong pháp luật về TNN không, thưa ông?
Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Có thể nói, công tác lập quy hoạch TNN còn chậm do đây là một công việc mới, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và nguồn kinh phí bố trí cho công tác này còn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Việc điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao, trong khi chưa thành lập được tổ chức lưu vực sông; các công trình khai thác, sử dụng nước lớn cho các mục đích khác nhau hầu hết đã được xây dựng hoặc đã được phê duyệt quy hoạch, đang triển khai, do vậy việc điều chỉnh mục tiêu nhiệm vụ, phân bổ, điều tiết lại khai thác sử dụng nước của các công trình này là hết sức khó khăn và phức tạp.
Thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc TNN còn phân tán và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý TNN, nhất là phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, công tác dự báo, thẩm định hồ sơ cấp phép ở cả cấp Trung ương và địa phương. Các vấn đề mang tính liên ngành, như: quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý TNN với các cơ quan, Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh. Bộ máy quản lý Nhà nước về TNN ở địa phương còn nhiều bất cập, cho đến nay hầu hết tổ chức bộ máy quản lý TNN ở cấp Sở cũng như cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện các nhiệm vụ quản lý TNN theo quy định của Luật TNN năm 2012 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; …
PV: Trong thời gian tới đây, Cục có định hướng các nhiệm vụ trọng tâm trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý TNN như thế nào, thưa ông?
Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý TNN, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về TNN, nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của công tác quản lý TNN là tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý đã được thể chế hóa trong Luật TNN 2012 và các văn bản đã được ban hành trong thời gian qua. Cụ thể:
Một là, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước, xử lý, trám lấp giếng không sử dụng; bảo vệ NDĐ, các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá... để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình mới; xây dựng các quy định, hướng dẫn xác định và công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu hồ chứa để quản lý, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động vận hành hồ chứa.
Hai là, rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình vận hành các hồ chứa, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các Quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành điều tiết nước đáp ứng yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ, cấp nước mùa cạn và phát điện của các hồ chứa.
Ba là, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về TNN, trọng tâm là các quy định mới như: Ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; triển khai thu tiền cấp quyền khai thác TNN; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến; giám sát việc vận hành của các hồ chứa theo quy trình liên hồ và việc xả dòng chảy tối thiểu.
Bốn là, tập trung xây dựng quy hoạch TNN; xây dựng quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN; đẩy mạnh công tác điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở vùng khan hiếm nước, thiếu nước, hải đảo; nghiên cứu xây dựng để sớm đưa vào hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước, giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện... bằng công nghệ tự động, trực tuyến.
Năm là, tập trung kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm đối với việc vận hành giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước trong mùa cạn, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ theo quy trình liên hồ chứa; bảo đảm khai thác sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước chung của 6 quốc gia trên lưu vực sông Mê Công và bảo đảm sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây hại đáng kể cho các quốc gia khác theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế.
Sáu là, tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý TNN để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, trọng tâm là nguồn lực để triển khai thực hiện, bao gồm cả kinh phí, tổ chức bộ máy và năng lực thực thi. Thành lập và sớm đưa vào hoạt động các Ủy ban LVS để tăng cường cơ chế điều phối, giám sát, phối hợp thực hiện, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành, liên địa phương trong khuôn khổ LVS, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN trên LVS. Tuyên truyền phổ biến rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
PV: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!
Thúy Hằng (thực hiện)