Lợi dụng thời tiết, đua nhau xả thải
Theo nguồn tin PV báo TN&MT tiếp cận được, khoảng trưa ngày 21/7/2018, trên địa bàn xã Di Trạch, huyện Hoài Đức xảy ra mưa lớn. Hệ thống kênh tiêu T2-7 (ngay đằng sau điểm công nghiệp Di Trạch – PV) nước dâng cao, đồng thời 4 cửa cống xả từ điểm công nghiệp ra kênh tiêu này có một lượng lớn nước chảy ra có màu trắng đục giống hệt như nước sơn pha loãng.
Sau khi phát hiện sự việc, tổ công tác của UBND xã đã phối hợp với cán bộ Đồn công an số 30, Đội cảnh sát kinh tế - môi trường – ma túy, công an huyện Hoài Đức và cán bộ phòng TN&MT huyện Hoài Đức đã trực tiếp xuống kiểm tra đột xuất đối với cơ sở sản xuất sơn Infor. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác ghi nhận việc công ty sơn Infor đang dọn rửa: khu vực bể keo tụ tạo bông, các thùng sơn và khu vực sản xuất.
Tổ công tác cũng phát hiện, tất cả 3 hệ thống ống thoát nước của công ty thải ra hệ thống cống chung (để chảy thẳng ra kênh T2-7). Trong đó có 1 đường ống qua hệ thống lọc, 2 hệ thống chưa qua lọc. Một phần nước chảy tràn trên mặt sân ra đường nội bộ của điểm công nghiệp. Tổ công tác đã giải thích và đề nghị đại diện công ty sơn Infor nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.
Trao đổi với PV, ông Vương Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch UBND xã Di Trạch cho biết: “Thời điểm chúng tôi xuống kiểm tra, các cửa cống của điểm công nghiệp đều xả một lượng lớn nước trắng như sơn pha loãng ra kênh tiêu. Qua nhận định chúng tôi thấy rằng, không chỉ công ty sơn Infor mà hai công ty sơn còn lại là: công ty sơn Jymec và công ty sơn Facomax cũng tham gia vào việc xả thải. Ba công ty sơn nằm ở ba khu vực khác nhau và xả theo ba cống xả khác nhau. Tuy nhiên thời điểm kiểm tra, ba cống xả đều có nước màu trắng như sơn pha loãng. Không chỉ vậy, hồ chứa nước thải tập trung của điểm công nghiệp cũng xuất hiện tình trạng tương tự”.
Ông Vương Ngọc Thịnh cũng cho biết thêm: “Các doanh nghiệp thực hiện hành vi xả thải trộm ra môi trường rất tinh vi. Qua tin báo của nhân dân, chúng tôi phải rất vất vả mới có thể bắt được quả tang hành vi vi phạm. Các doanh nghiệp ở đây thường lợi dụng lúc giữa trưa nắng to, trời mưa lớn hoặc vào buổi đêm để xả trộm nên việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khan. Ngay như hôm nọ, dù hành vi xả thải rõ ràng như vậy nhưng khi tổ công tác vào kiểm tra đột xuất, phía công ty Infor cũng không hợp tác”.
"Điểm đen" về ô nhiễm
Hiện nay, điểm công nghiệp Di Trạch có 18 doanh nghiệp đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất sơn, dệt nhuộm, cơ khí, sản xuất miến … Nhưng do điểm công nghiệp này không có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên hầu hết các doanh nghiệp ở đây đều xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm trầm trọng cho khu vực.
Bác Nguyễn Văn H. – một người dân sống gần điểm công nghiệp cho biết: “Hệ thống kênh mương T2-7 của chúng tôi đã bị ô nhiễm trầm trọng và gần như không thể sử dụng được. Những ngày trời nóng, nước cạn, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc rất khó chịu. Toàn bộ hệ thống kênh không có một sinh vật nào có thể tồn tại được. Không những vậy, do các doanh nghiệp ở đây đều xả trực tiếp ra mương, chảy vào khu vực trồng hoa màu của bà con khiến cho nhiều diện tích hoa màu, cây trồng của chúng tôi bị thiệt hại nặng nề”.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch thừa nhận thực tế nêu trên và cho biết: “Điểm công nghiệp Di Trạch bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2014, đầu năm 2015. Đáng ra, về nguyên tắc thì các đơn vị phải có 1 hệ thống xả thải ra hệ thống chung để xử lý, sau đó mới cho ra môi trường. Nhưng thực tế thì chúng tôi không làm được như vậy. Việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến khu vực này nằm trong quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2050. Vì thế thành phố Hà Nội chỉ cho thuê đất hàng năm. Vậy nên việc xây dựng một khu xử lý nước thải tập trung rất khó khăn do tâm lý không được làm ăn lâu dài của các doanh nghiệp”.
Trao đổi thêm về hướng xử lý vấn đề ô nhiễm tại điểm công nghiệp Di Trạch, ông Mạnh chia sẻ: “Chúng tôi ghi nhận ý kiến của nhân dân nhưng xã không đủ thẩm quyền để xử lý. Đất thì thành phố Hà Nội cho thuê, còn khi phát hiện doanh nghiệp xả thải thì xã cũng không thể vào kiểm tra, xử lý mà phải báo cáo lên huyện và chờ phương án giải quyết. Chúng tôi cũng rất mong huyện và thành phố sớm có phương án để xử lý dứt điểm vấn đề nêu trên”.
Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp tại điểm công nghiệp Di Trạch hoạt động gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan ban ngành của huyện Hoài Đức và thành phố Hà Nội cần phải có những biện pháp thực sự cứng rắn, kiên quyết xử lý những tồn tại. Có như vậy môi trường nơi đây mới có thể cải thiện.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc