(TN&MT) - Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Hoài Đức, có đến hơn 20 trạm trộn bê tông hoạt động không phép khiến cho nhiều năm qua người dân nơi đây phải sống chung với tình trạng ô nhiểm môi trường, tiếng ồn, khói bụi... từ các trạm trộn bê tông này.
Thời gian qua, huyện Hoài Đức- Hà Nội được giới buôn bán kinh doanh bê tông không phép đánh giá là “mảnh đất màu mỡ” khi hàng loạt trạm trộn bê tông không phép ngang nhiên hoạt động. Hàng chục xe quá khổ quá tải mặc sức “oanh tạc”, tàn phá đường xá, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không hề có biện pháp xử lý nghiêm, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Hàng chục xe quá khổ quá tải mặc sức “oanh tạc”, tàn phá đường xá, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh. |
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 20 trạm trộn bê tông đang hoạt động không đủ điều kiện tất cả các giấy tờ liên quan về giấy phép hoạt động cũng như các thủ tục môi trường, vẫn ngang nhiên hoạt động. Qua kiểm tra, tổ công tác liên ngành của huyện Hoài Đức đã phát hiện đa số các trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện đều không có giấy phép xây dựng, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường và sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép. Đáng chú ý, rất nhiều trạm trộn bê tông đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, đình chỉ hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức pháp luật.
Theo tìm hiểu, hầu hết các trạm trộn trong địa bàn huyện chủ yếu nằm trên địa bàn các xã An Khánh, Lại Yên, Vân Canh, Xuân Phương… và đã đi vào hoạt động lâu năm. Khảo sát quanh khu vực cầu An Khánh, cụm công nghiệp xã Lại Yên, các trạm trộn bê tông nổi tiếng trên thị trường, thường xuyên hoạt động như trạm bê tông của các doanh nghiệp như: Công ty Sung Shin Vina; Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng quốc tế Asean; Công ty cổ phần bê tông Thăng Long; Công ty TNHH xây dựng và trạm bê tông An Phúc, trạm bê tông A&P; Công ty cổ phần vật liệu xây dựng BHP Comat…
Các trạm trộn trong khu vực này hoạt động cả ngày lẫn đêm, vận hành hết công suất để phục vụ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận. |
Các trạm trộn trong khu vực này hoạt động cả ngày lẫn đêm, vận hành hết công suất để phục vụ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trước công suất hoạt động lớn như vậy, người dân sống quanh khu vực này đã bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, bụi xi măng đã và đang làm cho bầu không khí vốn dĩ trong lành ở khu vực ngoại thành bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo quan sát của PV, từng đoàn xe siêu tải trọng chở xi măng, xe chở bê tông đã trộn, xe quá tải chở cát, đá rầm rộ từng đoàn nối đuôi nhau tấp nập ra vào cả ngày lẫn đêm khiến cho các ngõ ngách phủ dày bụi, tạo ra những âm thanh hỗn tạp, tiếng còi xe inh ỏi cùng với đó là những tiếng rít đinh tai nhức óc phát ra từ các thiết bị máy mọc ở trong trạm.
Quy định việc thành lập các trạm trộn bê tông dịch vụ (cung cấp bê tông cho công trình xây dựng) phải xa khu dân cư và phải đảm bảo những điều kiện nghiêm ngặt như về vệ sinh môi trường; hệ thống đường vào, đường ra riêng biệt không đi chung với đường giao thông…
Nhưng thực tế, trạm trộn của các công ty này thì lại ngược lại, đặt ngay sát khu dân cư xã Lại Yên và gần chung cư Splendora, khu vực cầu An Khánh… đã và đang ngày đêm bào mòn cuộc sống của người dân bởi khói bụi, tiếng ồn, nước thải....
Nghiêm trọng hơn, nhiều hộ dân ở quanh khu công nghiệp sử dụng nước giếng khoan sinh hoạt. Trước đây, người dân chỉ khoan khoảng 40m đã có nước dùng, nhưng gần đây phải khoan sâu 60m đến 70 m vì các trạm trộn bê tông khoan giếng sâu, đã hút hết nước ngầm, khiến người dân thiếu nước sinh hoạt.
Để có thêm thông tin về các trạm trộn bê tông đang hoạt động trái phép, PV đã có buổi làm việc bới bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Ban địa chính thuộc tập đoàn A&P (Trạm bê tông A&P).
Bà Hằng cho biết: “Hiện tại trạm trộn của công ty vẫn chưa có đầy đủ những thủ tục pháp lý để được phép hoạt động, sau khi đi vào hoạt động và không có giấy phép hoạt đông thì cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và nhắc nhở yêu cầu là phải hoàn tất các thủ tục pháp lý thì mới cho phép được hoạt động và bên công ty đang tiến hành làm các thủ tục pháp lý cần thiết trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến sự việc trên PV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Lý – Chánh văn phòng UBND huyện Hoài Đức, ông Lý thừa nhận: “Tất cả các trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện đều không được cấp phép chứ không riêng gì trạm trộn của công ty Bê Tông A&P. Ông Lý còn khẳng định sẽ kiên quyết xử lý triệt để, những trường hợp nào thực sự có giấy phép thì mới cho hoạt động, nếu không có sẽ yêu cầu dừng hết và di dời. Về biện pháp xử lý thì huyện sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật”
Lời khẳng định của vị chánh văn phòng huyện Hoài Đức là như vậy, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại phía UBND huyện vẫn không hề có biện pháp xử lý đối với loạt trạm trộn đang tồn tại, không những không xử lý nghiêm túc đối với các trạm trộn này mà chính quyền Huyện Hoài Đức dường như vẫn đang buông lỏng quản lý, “làm ngơ” cho sai phạm mặc sức tung hoành.
Điển hình nhất là trong những ngày gần đây nhất, qua khảo sát tại khu vực cầu An Khánh mặt đường Láng Hòa Lạc, lại xuất hiện một trạm trộn bê tông mới sát ngay trạm bê tông An Phúc và trạm A&P, đang chuẩn bị đi vào hoạt động.
Câu hỏi đặt ra là, đối với hàng loạt trạm trộn bê tông không phép hoạt động nhiều năm trên địa bàn huyện Hoài Đức cho đến nay tại sao chính quyền nơi đây vẫn không hề xử lý nghiêm. Việc để tình trạng các trạm trộn bê tông hoạt động “bát nháo” nhiều năm qua như vậy thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những hệ lụy sau này khi người dân đang phải trực tiếp hứng chịu hậu quả?.
Đề nghị Thanh tra TP. Hà Nội và các cơ quan có liên quan khẩn trương vào cuộc nhằm xử lý triệt để những trường hợp hoạt động trái với pháp luật, trả lại môi trường sống bình yên cho người dân.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Bích Động - Duy Tân