Hòa Vang, Đà Nẵng: Chiếm dụng lòng sông trái phép để nuôi tôm

22/05/2018 17:48

(TN&MT) - Sông Cu Đê, đoạn chảy qua huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đang bị hàng chục hộ dân chiếm dụng, be bờ để nuôi tôm trái phép suốt nhiều năm nay.

(TN&MT) - Sông Cu Đê, đoạn chảy qua huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đang bị hàng chục hộ dân chiếm dụng, be bờ để nuôi tôm trái phép suốt nhiều năm nay.
 
Hơn 1,5 km sông Cu Đê đang bị người dân chiếm dụng để nuôi tôm suốt nhiều năm nay
Hơn 1,5 km sông Cu Đê đang bị người dân chiếm dụng để nuôi tôm suốt nhiều năm nay

Bất chấp môi trường, sạt lở kéo dài
 
Việc người dân khai hoang bãi bồi, múc đất làm đìa tôm đã tạo thành những gò đất cao càng làm dòng chảy sông Cu Đê bị thay điểm nghiêm trọng, dẫn đến việc hàng km đất nông nghiệp nằm bên kia sông (thuộc thôn Quan Nam 3, xã Hoà Liên) bị cuốn trôi vĩnh viễn do tình trạng sạt lở kéo dài.
 
Đi dọc con đường bê tông dẫn ra bờ sông Cu Đê, đoạn qua thôn Trường Định, chúng tôi dễ dàng chứng kiến hàng chục đìa tôm có bờ dài từ 30 - 40 m vươn ra tận giữa sông. Lợi dụng việc bồi lắng cát, nhiều hộ dân còn thuê máy múc để be bờ, mở rộng diện tích nuôi nhưng không bị chính quyền địa phương hoặc đơn vị chức năng theo dõi, đánh giá tác động môi trường.
 
Quá trình be bờ, múc cát để nuôi tôm đã khiến lòng sông Cu Đê, đoạn bắt đầu từ chân cầu Trường Định, kéo dài về hạ lưu hơn 1,5 km đang bị thu hẹp dần từ 30 - 50 m. Nhiều chỗ vốn là những bãi bồi tự nhiên do bị người dân hút cát từ lòng đìa, tạo thành những gò cao hơn 2 m khiến dòng chảy qua khu vực này bị thay đổi đột ngột.
 
Hơn 4 hecta diện tích đất nông nghiệp của người dân thôn Quan Nam 3 bị cuốn trôi, nhìn từ các đìa tôm của thôn Trường Định
Hơn 4 hecta diện tích đất nông nghiệp của người dân thôn Quan Nam 3 bị cuốn trôi, nhìn từ các đìa tôm của thôn Trường Định

Nhìn về phía bờ sông đang bị sạt lở trầm trọng suốt 3 năm nay, ông Ngô Thanh Bê (ngụ thôn Quan Nam 3) kể: “Trước khi có phong trào nuôi tôm bên kia sông, hơn 4 hecta đất nông nghiệp nơi đây vẫn được bà con trồng trọt cả 3 vụ. Nhưng nay, số diện tích trên đã bị mất hết. Ngoài ra, chỗ chúng  tôi đang canh tác lại mất hơn 4 m mỗi năm do tình trạng sạt lở. Nghe nói cấp trên đã có chủ trương làm kè để bảo vệ diện tích đất bên trong, nhưng đến nay vẫn không thấy triển khai”.
 
Một hộ dân đang nuôi tôm tại khu vực tổ 1 (thôn Trường Định), thừa nhận: “Việc có những hộ trước đây đến khai phá, đắp đìa để nuôi tôm, sau đó lấn sông, múc cát để be bờ nhằm mở rộng diện tích nuôi là có thật. Nhiều lúc, người dân hút cát, lấn dần ra giữa sông là chuyện bình thường. Chúng tôi không quan tâm tới môi trường hay gây ảnh hưởng đến dòng chảy gì cả. Mọi việc đó đã có cấp trên lo”.
 
Hiện nay, do dịch bệnh xảy ra triền miên khiến nhiều hộ không còn mặn mà với việc cải tạo đìa nuôi và bỏ hoang càng khiến môi trường xung quanh nơi đây bị ô nhiễm và hoang hoá dần, gây lãng phí.
 
“Dân không hề chiếm dụng lòng sông”
 
Ông Võ Văn Thành - Trưởng thôn Trường Định thống kê: “Cả thôn hiện có đến 36 hộ dân tham gia nghề nuôi tôm dọc bờ sông Cu Đê, với tổng diện tích khoảng 24 hecta. Những diện tích đang nuôi được người dân nuôi là đã có từ trước đây. “Chuyện người dân lấn ra sông để mở rộng diện tích là có nhưng rất ít và không đáng kể”- ông Thành cho biết.
Người dân múc cát be bờ để mở rộng diện tích nuôi tôm ra tận lòng sông
Người dân múc cát be bờ để mở rộng diện tích nuôi tôm ra tận lòng sông

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Xuân, cán bộ Địa chính - Xây dựng xã Hòa Liên, thông tin: Người dân đang nuôi tôm như hiện nay là sử dụng diện tích đất theo hiện trạng cũ đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trước đây, do người dân đã tự khai phá để nuôi tôm nhưng do làm ăn thất thu, cộng với việc nhiều đìa bị bồi lấp nên đành bỏ. Nay, người dân tiếp tục làm lại nhưng vẫn theo hiện trạng cũ. Các hộ nuôi tôm mới hiện nay là đang thuê đất của những hộ trước đây đã khai hoang và nuôi tôm thẻ chân trắng theo vụ.
 
Theo ông Xuân, số diện tích đìa tôm đang được người dân dùng để nuôi tôm dọc sông Cu Đê chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đang được dân sử dụng trên cơ sở do đã được khai hoang từ trước đó.
 
“Theo chương trình Nông thôn mới, chính quyền xã đã thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho những hộ dân có nhu cầu nuôi tôm dọc sông Cu Đê. Trên địa bàn xã Hòa Liên không xảy ra tình trạng dân chiếm dụng lòng sông, múc cát và be bờ để làm đìa nuôi tôm. Nếu có tình trạng lấn chiếm dòng sông, chính quyền xã sẽ tiến hành xử lý ngay”- ông Xuân cho hay.
 
Mỗi đìa tôm có bờ vươn ra lòng sông dài từ 30 - 40 m
Mỗi đìa tôm có bờ vươn ra lòng sông dài từ 30 - 40 m

Theo đánh giá, sông Cu Đê là sông có dòng chảy lũ rất lớn, mực nước lên nhanh vào mừa mưa, gây ngập lụt cho các khu dân cư ven sông thuộc xã Hòa Liên, Hòa Bắc (huyện Hoà Vang) và hai phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu).
 
Đại diện Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống bão lụt TP. Đà Nẵng cho rằng việc xây dựng, mở rộng ao nuôi trồng thuỷ sản lấn chiếm vào bãi bồi, lòng sông Cu Đê đã vi phạm vào Khoản 4, Điều 12 của Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 và vi phạm vào các Điều 12, 13 và 14 của Nghị định 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều phòng chống lụt bão.
 
Một cán bộ môi trường của huyện Hòa Vang chia sẻ: Việc chính quyền địa phương để người dân tiến hành nuôi tôm tự phát và chưa có quy hoạch như ở thôn Trường Định sẽ gây ra những tác động lâu dài về môi trường. “Nếu xảy ra tình trạng như hiện nay là người dân tự ý múc cát, be bờ để mở rộng diện tích nuôi ra cả lòng sông Cu Đê là rất đáng lo ngại. Lúc này, dòng chảy của sông sẽ bị thay đổi và có khả năng gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông ở các khu vực lân cận”- vị này thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Vang, Đà Nẵng: Chiếm dụng lòng sông trái phép để nuôi tôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO