Hoà Bình: Gian nan khắc phục hậu quả mưa bão

11/08/2018 18:49

(TN&MT) - Thời gian qua, các tỉnh Tây Bắc nói chung, TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) nói riêng, mưa lớn kéo dài từ hệ lụy từ cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Nhiều nhà ở của dân bị sập đổ, lún sụt; đường giao thông ngập lụt; ách tắc; hoa màu bị tàn phá, đời sống người dân gian nan vượt mưa lũ.

bb
Mưa lớn, nước dâng cao gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông
 

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiện tai, cứu hộ, cứu nạn thành phố, tình trạng sạt lở khu vực tổ 22, 26 phường Đồng Tiến đã làm 9 nhà ở của người dân bị sập hoàn toàn, 10 nhà bị sập một phần và 9 nhà bị nứt và có nguy cơ sạt lở cao. Tại phường Thái Bình tình trạng sạt lở đã xảy ra tại đồi xóm Lau khu vực tổ 7 và gây ngập úng tại các tổ 5,6. Tại phường Tân Thịnh, tình trạng sạt lở đồi tại khu vực tổ 18, 21 đã làm ảnh hưởng đến 21 hộ dân. Khu vực tổ 1 phường Phương Lâm bị sạt sạt lở, Chợ Phương Lâm, Bến xe khách trung tâm và  khu Thuỷ sản bị úng ngập nặng. Khu vực xóm 1, xóm 5, xã Sủ Ngòi bị sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến 9 hộ dân. Trên địa bàn xã Thái Thịnh có 20 điểm sạt lở, cắt đứt giao thông tuyến đường vào xóm Tháu đi xóm Vôi và làm sập 2 nhà, 8 nhà bị rạn đứt. Tại xã Thống Nhất, 1 nhà bị rạn nứt và sạt lở suối Cò Cai sau hồ Thống Nhất. Trên địa bàn xã Yên Mông, 3 m đường ở xóm Thia bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Đường 433, đường 70B khu vực đồi Mý và các xóm Cang 1, 2, 3 xã Hoà Bình cũng bị sạt lở nặng nề... Với tổng số 38 điểm sạt lở, khối lượng đất đá ước khoảng 15.000 m3, trên 110 ha nuôi trồng thuỷ sản, hơn 200ha lúa và hoa màu bị ngập úng ước tính thiệt hại khoảng 135,3 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về tài sản, nhà cửa, công trình khoảng 125 tỷ đồng, thiệt hại về nông nghiệp, thuỷ sản khoảng 10,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có 11 hồ vừa và nhỏ, qua kiểm tra, đánh giá khi xảy ra mưa lũ các hồ chứa đều có mức nước cao hơn thiết kế. Một số hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao như hồ Nà Thèm, Gốc Sấu, Thống Nhất, Rộc Bách...

aa
LLVT và nhân dân tâp trung hỗ trợ các hộ dân tổ 26 phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình) di chuyển người và tài sản do bị sập nhà về nơi ở mới an toàn
 

Với mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước là nhiệm vụ hàng đầu, Cấp uỷ, Chính quyền, LLVT và người dân TP Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình đã tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 theo phương châm “bốn tại chỗ”. Chủ tịch UBND TP.Hoà Bình Nguyễn Thanh Huy cho biết: Toàn thành phố có 79 hộ, 268 nhân khẩu  phải di dời do nhà cửa bị sập, rạn nứt và có nguy cơ sạt lở cao. Theo đó, thành phố đã huy động 350 lượt CBCS công an, quân đội, DQTV và CBCC các ban, ngành, đoàn thể cùng trên 1.000 người dân, 16 xe ô tô, máy xúc, tàu thuyền tham gia nạo vét đất đá, khơi thông cống rãnh và hỗ trợ di dời người và tài sản của các hộ dân đến nơi ở mới an toàn. Do tình huống cấp bách nên đa số các hộ di dời đến ở tạm nhà người thân và có một số hộ ở tạm Nhà văn văn hóa các xã, phường. Trước đó, hàng chục hộ dân làng vạn chài đã được hỗ trợ di chuyển ra khỏi khu vực cầu Hoà Bình (Phường Tân Thịnh) đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó, Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể của Thành phố đã đển thăm hỏi, động viên các hộ dân phải di dời do ảnh hưởng của thiên tai với số tiền trên 62 triệu đồng.

Một trong những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm là tình trạng sạt lở khiến nhiều nhà ở của người dân khu vực tổ 25,26 phường Đồng Tiến bị sập và nguy cơ bị sập xuống sông Đà. Chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng của tỉnh bước đầu nhận định: Nguyên nhân chính là do biến đổi dòng chảy, một phần bờ sông Đà khu vực bờ trái thuộc địa bàn xã Thịnh Lang bị một số doanh nghiệp san lấp để tập kết vật liệu xây dựng. Khu vực tổ 22, 25,26 không ít hộ dân cũng đổ đất đá mở rộng diện tích để làm nhà ở và không ít hộ kinh doanh cũng tận dụng mặt bằng ven bờ sông tập kết cát sỏi. Mặt khác mưa lớn kéo dài kết hợp với việc Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình xả lũ dẫn đến taluy âm QL 6 khu vực tổ 25,26 sạt lở và nguy cơ sạt lở ngày càng cao.

Hậu quả của mưa lũ từ tháng 7/2018 đến nay đã gây hậu quả rất nặng nề cho TP. Hòa Bình và cho thấy công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở đây còn rất nặng nề. Đặc biệt, theo Trung tâm dự báo thời tiết quốc gia, trong tháng 8/2018 dự báo miền Bắc tiếp tục có  mưa to đến rất to kéo dài nhiều ngày trên diện rộng, trong đó có tỉnh Hoà Bình.

Chính quyền thành phố Hòa Bình kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tăng cường các giải pháp chống ngập úng, để đáp ứng yêu cầu đó; đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo những nguy cơ có thể xảy ra do mưa, lũ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng phó khi có tình huống xảy ra, các khu tái định cư Trung Minh, cầu Hoà Bình 3, Thái Thịnh... sẽ được đầu tư hạ tầng và mở rộng diện tích. Được biết, Trạm bơm tiêu úng Quỳnh Lâm sẽ được lắp đặt thêm 2 máy bơm mới phục vụ chống úng lụt.

Công tác phòng chống bão lũ chính là bảo vệ an toàn tính mạng, và tài sản cho nhân dâ. Thiết nghĩ, các hộ dân ở những khu vực đã bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cần nâng cao nhận thức trong phòng chống thiên tai, phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện di dời đến nơi an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoà Bình: Gian nan khắc phục hậu quả mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO