Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn kêu cứu của ông Phạm Xuân Quỳnh (Giám đốc Công ty tư nhân Quỳnh Hà, TP Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình) cho biết: Năm 2007, ông đã được UBND tỉnh và các sở ban ngành của tỉnh Hòa Bình cho thuê bãi đất hơn 6.000 m2 trên bãi Thịnh Minh (phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình) ở bờ bắc sông Đà để làm bãi tập kết cát sỏi và bến thủy thủy nội địa.
Tất cả thủ tục pháp lý thời gian đó đều đã được UBND tỉnh Hoà Bình và các sở ban ngành xem xét cấp giấy tờ đầy đủ. Ông Quỳnh khẳng định vào thời gian đó, việc đầu tư bãi đất hoang thành bến thủy nội địa và bãi tập kết cát sỏi của doanh nghiệp được địa phương đánh giá là phù hợp với quy hoạch và chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh.
Ông Phạm Xuân Quỳnh đã phải vay vốn từ nhiều nguồn anh em bạn bè, ngân hàng,…để mua sắm trang thiết bị, thuê nhân công và xây dựng cơ sở vật chất để thực hiện việc kinh doanh. Suốt quá trình kinh doanh, ông Quỳnh luôn tuân thủ quy định pháp luật, nộp thuế đầy đủ.
Doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động kinh doanh chưa đến 10 năm thì mới đây, UBND TP Hòa Bình ra thông báo yêu cầu phải di dời bến bãi. Thành phố viện dẫn căn cứ là Quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình mới ra năm 2017 và nói rằng, kinh doanh bến bãi ở đây không phù hợp quy hoạch. Đáng nói, mặc dù yêu cầu doanh nghiệp rời khỏi bến bãi của mình nhưng không thấy thành phố hay tỉnh nói đến phương án hỗ trợ nào cho doanh nghiệp. “Chúng tôi tốn nhiều công sức tiền của đổ vào để đầu tư, chưa kịp lấy lại vốn thì chính quyền lại không cho làm nữa. Vậy chúng tôi lấy gì trả nợ?” - Ông Quỳnh nói.
Trả lời PV báo Tài nguyên & Môi trường, bà Nguyễn Thị Mỹ Bình (Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Lang) cho biết những phản ánh của ông Quỳnh là đúng. Bà Bình cho hay, tỉnh và thành phố đã có chủ trương thu hồi đất trên bãi Thịnh Minh nhưng chưa thấy quyết định về đền bù, hỗ trợ. Bà Bình khẳng định phường cũng rất mong đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp. Họ đã đầu tư rất nhiều thì cũng cần được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng theo đúng quy định pháp luật. Khi PV đặt câu hỏi về việc phường đã có kiến nghị với cấp trên chưa, bà Bình nói rằng mới chỉ nêu đề xuất tại các cuộc họp chứ văn bản thì chưa. Các chủ trương quyết định cụ thể của tỉnh và thành phố phường chưa nắm được. Hiện nay phường vẫn chờ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.
Trong khi đó, ông Phạm Quốc Thắng (Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình) nói với PV rằng UBND TP Hòa Bình được tỉnh giao việc giải phóng mặt bằng, di dời các bãi tập kết cát sỏi trên bãi Thịnh Minh. Đây là chủ trương phù hợp quy hoạch của tỉnh Hòa Bình. Theo đó, các doanh nghiệp có thể sẽ được dời sang khu vực khác mà tỉnh đã quy hoạch làm bến bãi. Tuy nhiên, quỹ đất hiện nay chưa đủ. Thành phố chỉ mới dùng các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục các hộ dân. Thành phố chưa hề dùng biện pháp nào để cưỡng ép doanh nghiệp.
Chúng tôi đặt câu hỏi về tính pháp lý trong văn bản ông Nguyễn Thanh Huy (Chủ tịch UBND TP. Hoà Bình) ký yêu cầu doanh nghiệp di dời khỏi khu đất trong khi chưa thấy tỉnh Hoà Bình có quyết định nào cụ thể về giải quyết chính sách cho họ. Ông Phạm Quốc Thắng (Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình) cho rằng, việc giải quyết quyền lợi, bồi thường cụ thể ra sao thì PV cần làm việc thêm với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng. Tuy nhiên, quan điểm của thành phố cũng rất ủng hộ doanh nghiệp và cố gắng đảm bảo quyền lợi cho họ.
Ông Phạm Quốc Thắng còn cho hay, việc thu hồi đất là để xây cầu treo vượt sông Đà, công trình đang khảo sát và dự kiến khởi công trong năm nay. Tỉnh đã có quyết định phê duyệt. Nhưng vị Phó chủ tịch UBND TP Hòa Bình không đưa ra các văn bản này mà chỉ nói rằng PV có thể tiếp tục tìm hiểu trên tỉnh và các sở.
Trao đổi với PV báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Trần Anh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết, việc di dời các bến bãi ven sông Đà ở bãi Thịnh Lang là đúng chủ trương quy hoạch của tỉnh. Các cơ quan ban ngành thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh. Ông Nguyễn Trần Anh cũng cho hay, doanh nghiệp Quỳnh Hà được tỉnh cho thuê đất 50 năm nhưng trả tiền theo năm, nên khi di dời sẽ không được bồi thường phần đất. Tuy nhiên những tài sản trên đất sẽ được thống kê bồi thường.
PV đặt vấn đề về việc tỉnh để doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư như vậy rồi lại yêu cầu ngừng hoạt động, khác gì đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản?. Ông Nguyễn Trần Anh cho biết, tỉnh đã có quy hoạch bến bãi ở 1 khu vực khác, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục kinh doanh, có thể liên hệ để được hướng dẫn thủ tục.
Tuy nhiên trước khi yêu cầu doanh nghiệp di dời, tỉnh đã giải quyết những việc nói trên hay chưa, ông Nguyễn Trần Anh cho hay quy hoạch bến bãi như thế nào cũng chưa được rõ. Còn việc kiểm đếm tài sản để bồi thường hỗ trợ thì đang giao cho Chi cục Quản lý đất đai.
Ông Nguyễn Trần Anh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho rằng, quy hoạch của tỉnh đều đã được các doanh nghiệp nắm bắt và hết thời hạn hoạt động cứ phải thực hiện theo đúng quy định.