Ngành TN&MT

Hỗ trợ của Chính phủ Đức giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu là cần thiết và hiệu quả

Tống Minh 25/07/2023 - 10:02

(TN&MT) - Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tại buổi tiếp và làm việc với ông Christoph Hoffmann – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác và phát triển kinh tế của Quốc hội CHLB Đức, vào chiều ngày 24/7.

thu-truong-tiep-duc.jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành tiếp và làm việc với ông Christoph Hoffmann

Chào mừng TS. Christoph Hoffmann và các đồng nghiệp tới làm việc với Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận, thời gian qua, Chính phủ Đức luôn là một trong những đối tác có những hoạt động hợp tác thường xuyên và sôi động nhất với Bộ TN&MT trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), phát triển bền vững.

Thứ trưởng đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của Chính phủ Đức với Việt Nam nói chung và với Bộ TN&MT nói riêng trong việc triển khai các cam kết của Việt Nam về BĐKH, cụ thể như giúp Việt Nam xây dựng Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) , cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) 2020, NDC 2022, Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050. Đây là những kết quả quan trọng định hướng phát triển Việt Nam trong tương lai theo hướng thích ứng BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng O vào năm 2050.

Minh chứng về hiệu quả hợp tác giữa hai bên, Thứ trưởng chia sẻ: “Nếu chúng ta quay lại giai đoạn trước năm 2008 ở Việt Nam, từ chính quyền đến người dân đều ít quan tâm đến BĐKH. Từ thời gian đó, Cơ quan phát triển Đức tại Việt Nam đã hỗ trợ để cho Việt Nam INDC và sau đó là NDC. Hiện tại, cơ quan phát triển Đức tiếp tục hợp tác với Cục BĐKH để triển khai cam kết này. Đây chính là câu trả lời cho những nỗ lực của hai bên trong việc đồng hành ứng phó BĐKH”.

anh-toan.jpg
Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc

Trân trọng những nỗ lực của Việt Nam khi cùng cộng đồng quốc tế ứng phó BĐKH và ghi nhận về tính hiệu quả của các dự án được Đức hỗ trợ triển khai ở Việt Nam, ông Christoph Hoffmann bày tỏ sự quan tâm về định hướng sắp tới của Việt Nam trong các vấn đề: phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, cắt giảm các dự án điện than, việc tăng diện tích rừng để lưu trữ carbon và việc thực hiện JETP ở Việt Nam.

Trao đổi cụ thể về các nội dung này, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam nhiều nhất nằm trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp. Cùng với cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch điện VIII, trong đó, không gian để phát triển năng lượng tái tạo được mở ra ở mức lớn nhất và thu hẹp việc phát triển các nhà máy điện than. Hiện các Bộ, ngành Việt Nam đang xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển điện VIII này.

Cùng với đó, cuối năm 2022, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP). Tuyên bố chính trị tiếp tục thể hiện tinh thần hợp tác giữa Việt Nam với và các quốc gia đối tác phát triển do Nhóm các nước Công nghiệp phát triển G7 (trong đó cóc Đức) đứng đầu nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch.

cac-dai-bieu.jpg
Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị ông Christoph Hoffmann hỗ trợ thúc đẩy Đức và các nước G7 giúp Việt Nam có giải pháp để vừa hạn chế các dự án điện than phù hợp với luật pháp quốc tế, vừa đảm bảo nguồn năng lượng cho đời sống và sản xuất, có sự chuyển giao công nghệ và đầu tư tài chính vào các lĩnh vực này ở Việt Nam.

“Có một dẫn chứng cụ thể là: Điện gió, điện mặt trời phát triển nhanh trong 5 năm vừa qua ở Việt Nam. Hiện nay, đã có các phương tiện công cộng và tư nhân dùng năng lượng sạch vận hành trên đường phố của Việt Nam, như một hệ thống xe bus, xe taxi…Điều đó chúng minh rằng, các doanh nghiệp Việt hết sức nhanh nhạy. Chỉ cần có đầu tư của Chính phủ và đầu tư tư nhân thì công cuộc chuyển đổi xanh ở Việt Nam sẽ diễn ra nhanh chóng”, Thứ trưởng Lê Công Thành đặt niềm tin.

Thứ trưởng Lê Công Thành đề xuất, Đức vốn là cường quốc về khoa học và công nghệ. Việt Nam mong muốn Đức sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới liên quan đến năng lượng như sản xuất hydrogen và amonia xanh, công nghệ lưu trữ và chôn lấp carbon.

Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng, nhân dịp này, ông Christoph Hoffmann gợi mở một hướng cho doanh nghiệp là sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời – đây là lĩnh vực ở Đức đang thiếu và đang phải nhập khẩu từ các nước khác, trong khi nhu cầu trong nước ngày càng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ của Chính phủ Đức giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu là cần thiết và hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO