Mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất ở tỉnh Hà Nam trên quan điểm không thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp mà UBND huyện và UBND xã đứng ra thuê và ký hợp đồng thuê quyền sử dụng đất với các hộ dân, sau đó UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường cho doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất đã mang lại hiệu quả cho người dân và cho xã hội.
Luật Đất đai 2013 đã quy định theo hướng nâng thời hạn sử dụng đất đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm; đồng thời, để thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai đã mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không được vượt quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp.
Tại tỉnh Hà Nam, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Nghị quyết số 05 về việc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp nông thôn Hà Nam giai đoạn 2016-2025.
Phương thức tích tụ ruộng đất được thực hiện trên quan điểm Hà Nam không thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp. Đối với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: UBND huyện và UBND xã đứng ra thuê và ký hợp đồng thuê quyền sử dụng đất với các hộ dân, sau đó UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường cho doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất đúng bằng giá thuê đất của các hộ dân để đầu tư phát triển. Thời gian cho thuê quyền sử dụng đất ít nhất là 20 năm để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư sản xuất, cùng với đó là ban hành cơ chế hỗ trợ cơ sở hạ tầng đến chân hàng rào.
Kết quả bước đầu qua việc tập trung, tích tụ ruộng đất theo cách làm của Hà Nam đã đảm bảo quyền lợi của các hộ dân, người dân đồng thuận, yên tâm. Doanh nghiệp cam kết với địa phương và yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài. Đồng thời, doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân, nhóm hộ, hợp tác xã nông nghiệp làm vệ tinh sản xuất nông sản sạch việc làm này đã mang lại hiệu quả cho người dân và cho xã hội.
Từ hình thức đó, tính đến hết năm 2020, tỉnhHà Nam đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đã tích tụ 375,5 ha. Có 2 khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Lý Nhân đã đi vào hoạt động với diện tích 202,3 ha. Giải quyết việc làm cho trên 400 lao động nông thôn, với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Dự án Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Vineco với 179,1ha - sau khi đi vào hoạt động, đã tạo việc làm ổn định cho 250 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng...
Tại huyện Bình Lục, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Bình Lục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp; trong đó các mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất tiếp tục được chú trọng duy trì và nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác, bước đầu khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị thấp.
Theo đó, sau khi tuyên truyền, vận động, thỏa thuận thuê lại được 10 ha đất của trên 30 hộ dân (tại cánh đồng La, thôn Đồng Tập), vụ xuân 2021 HTXDVNN La Sơn bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Qua 3 vụ sản xuất theo quy mô tập trung cho thấy, mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại cánh đồng La, thôn Đồng Tập có nhiều thuận lợi trong ứng dụng khoa học, đưa cơ giới vào đồng ruộng. Hiện, trên diện tích HTX tích tụ, tỷ lệ cơ giới khâu làm đất, khâu gieo cấy (mạ khay, cấy máy), khâu thu hoạch đạt 100%. Ngoài ra, sản xuất theo quy trình hữu cơ đem lại nhiều lợi ích thiết thực, như: đất đai được cải tạo tốt hơn, cân bằng hệ sinh thái môi trường; sức khỏe của người dân được bảo đảm. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra bảo đảm chất lượng, an toàn, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế tại mô hình tích tụ 20ha đất cấy lúa của anh Hoàng Văn Thường, xã Tiêu Động cho thấy rõ hiệu quả của cách làm này. Anh Thường chia sẻ: Diện tích đất tích tụ của gia đình trước đây là vùng đất trũng, xa khu dân cư, hiệu quả sản xuất rất thấp vì hay bị úng lụt, việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy người dân canh tác trên vùng đồng này hiệu quả không cao, thậm chí có vụ còn chịu thua lỗ bởi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ… tôi đã trao đổi, phối hợp cùng với HTX Tiêu Hạ tuyên truyền, vận động nông dân cho thuê đất. Mặc dù vậy, để thuê được đất của các hộ dân, tôi và các đồng chí cán bộ HTX phải mất cả chục cuộc họp với các hộ dân mới đi đến thỏa thuận, thống nhất thuê lại được diện tích 20ha của gần 2.000 hộ dân. Có diện tích lớn, vụ đầu tiên tôi thực hiện gieo sạ trên diện tích đã tích tụ.
Qua vụ đầu tiên, nhận thấy những hạn chế của gieo sạ như: Dùng thuốc diệt cỏ nhiều, mất công dặm tỉa… tôi chủ động chuyển sang cấy máy. Đưa cơ giới vào tất cả các khâu sản xuất (làm đất, cấy, gặt bằng máy; phun thuốc trừ sâu bằng máy bay…), liên kết với doanh nghiệp về thu mua thóc tươi ngay tại đầu bờ giá trị thu nhập trên diện tích canh tác cao hơn hẳn so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây.
Được biết, vụ mùa 2022, mô hình tích tụ ruộng đất của anh Thường được tỉnh chọn làm điểm triển khai thực hiện thử nghiệm sử dụng phân bón Nano Silic. Nếu làm đúng theo quy trình kỹ thuật sẽ giảm được 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật, 50% các loại phân bón khác. Cây lúa đẻ nhánh tập trung, lá lúa cứng, bông to, tỷ lệ hạt chắc cao. Năng suất lúa tăng khoảng 30%, chất lượng lúa được nâng cao. Ngoài ra, sử dụng phân bón Nano Silic giúp cải tạo đất, bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng, bảo vệ môi trường... Vụ đầu tiên, doanh nghiệp sẽ tài trợ toàn bộ phân bón Nano Silic và thuốc bảo vệ thực vật. Anh Thường cho biết: Làm nông nghiệp tôi không ngại khó, ngại khổ, tôi sẵn sàng thử nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào đồng ruộng với mong muốn nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị cây trồng.