Hiệu quả hợp tác lập kế hoạch và thực hiện giảm phát thải nhà kính

Nguyễn Quỳnh| 07/01/2020 18:44

(TN&MT) - Ngày 07/1/2019, tại TP.HCM, Cục Biến đổi khí hậu ( Bộ TN&MT), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Sở TN&MT TP.HCM đã tổ chức Hội thảo cuối kỳ Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (SPI-NAMA) năm 2019 tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại Hội thảo

Dự án Hợp tác Kỹ thuật “Hỗ trợ việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm thiểu phù hợp với điều kiện quốc gia theo phương thức Giám sát - Báo cáo - Thẩm định (MRV)” (gọi tắt là Dự án SPI-NAMA) được triển khai từ năm 2014 đến  tháng 1/2019. Dự án gồm 2 hợp phần: Hợp phần 1 hỗ trợ nâng cao năng lực điều phối và lập kế hoạch thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính của Bộ TN&MT;  Hợp phần 2 hỗ trợ TP.HCM nâng cao năng lực của chính quyền địa phương trong việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động về giảm phát thải khí nhà kính.

Dự án đã đạt được một số kết quả rõ rệt như hỗ trợ Bộ TNMT xây dựng Nghị định về lộ trình để Việt Nam tham gia giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV). Tại TP.HCM, Dự án đã giúp Sở TN&MT thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) thí điểm theo lĩnh vực (năng lượng, vận tải, chất thải), lập kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn mới 2021-2030.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Trong năm 2019, được  sự hỗ trợ, tư vấn của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Sở TN&MT đã phối hợp cùng các Sở ngành triển khai hiệu quả 3 hoạt động chính của Dự án.

Trong đó, với hoạt động đánh giá xu hướng phát thải khí nhà kính và tiềm năng giảm phát thải, Dự án tiến hành thu thập số liệu từ các Sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thống kê… về các thông tin hỗ trợ như các kế hoạch, chính sách, quy định liên quan đến biến đổi khí hậu. Các số liệu liên quan đến kiểm kê và áp dụng mô hình AIM để phân tích các kịch bản phát thải thông thường tại năm cơ sở là 2016 và tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính tại năm mục tiêu là 2030 (theo năm mục tiêu trong Cam kết tự nguyện – NDC của Việt Nam).

Đối với hoạt động xác định và xếp thứ tự ưu tiên các biện pháp, phương án, hành động giảm nhẹ trong lĩnh vực năng lượng: Dự án đã tiến hành các cuộc phỏng vấn và thử nghiệm áp dụng Hệ thống báo cáo Carbon cho 9 tòa nhà tại TP.HCM để xây dựng kế hoạch giảm phát thải cho các tòa nhà và doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng lớn nhằm đưa ra các khuyến nghị cho nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện quy trình MRV dựa trên SEC (suất thiêu hao năng lượng dựa vào sản lượng sản phẩm), tính toán cường độ năng lượng trên mỗi đơn vị sản phẩm, quy trình, nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng.

Đối với hoạt động xác định phương án, hành động giảm nhẹ trong lĩnh vực giao thông: Dự án đã thu thập dữ liệu từ 17 cảng biển nhằm ước tính lượng giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của cảng biển tại TP.HCM. Trong đó, cảng VICT, Hiệp Phước và Bến Nghé là 3 đơn vị có lượng phát thải cao nhất tương ứng 10.170 tấn, 7.751 tấn và 5.231 tấn CO2. Được biết, kết quả  này sẽ được đưa vào Kế hoạch Quốc gia phát triển cảng xanh tại Việt Nam đang được Bộ Giao thông vận tải xây dựng.

Các đại biểu chụp hình kỉ niệm tại Hội thảo

Ngoài ra, Dự án  SPI – NAMA còn thực hiện các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ các Sở ngành thành phố, bao gồm: Tổ chức lớp tập huấn cho 20 cán bộ tham gia Dự án và các Sở, ngành liên quan về cách thiết lập và tính toán đường phát thải cacbon theo kịch bản phát thải thông thường (BAU) và kịch bản phát triển (LCS).

Đồng thời, Dự án còn tổ chức khóa tập huấn cho 07 cán bộ các Sở, ngành tại Tokyo ( Nhật Bản) nhằm cung cấp thông tin và kiến thức về xây dựng kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu ở cấp địa phương, bảo gồm các mô hình dự án áp dụng giảm phát thải khí nhà kính và giới thiệu các công cụ chính sách phát thải các bon thấp.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng nhấn mạnh, trong quá trình triển khai điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP.HCM, những kết quả của Dự án SPI – NAMA đã góp phần làm rõ những vấn đề trong nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu của Quy hoạch. Đồng thời, những kết quả của Dự án cũng góp phần làm rõ nhiệm vụ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của TP.HCM trong quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM giai đoạn 2020 -2025.

“ Tôi cũng mong muốn triển khai nhân rộng các kết quả đạt được của Dự án một cách thiết thực, góp phần thúc đẩy việc triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn TP.HCM trong lộ trình cắt giảm khí nhà kính của Việt Nam” – ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hiromichi Murakami, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường toàn cầu của JICA Việt Nam đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Những nỗ lực tích cực của Chính phủ Việt Nam và TP. HCM là minh chứng cho thấy cả chính quyền trung ương và địa phương đều chủ động đẩy mạnh các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hiện thực hóa mục tiêu xã hội cacbon thấp và tiến tới xã hội không phát thải cacbon, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo kịch bản phát triển thông thường: năm 2016 TP.HCM sẽ phát thải 51.846 tấn CO2; năm 2030 là hơn 160.000 tấn CO2.
Trong khi đó, với kịch bản phát triển nếu thực hiện 05 hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực nông nghiệp, cao ốc, dân dụng, giao thông và năng lượng tái tạo tại TP.HCM thì năm 2030 lượng phát thải còn 112.517 tấn CO2 (giảm 21%).

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả hợp tác lập kế hoạch và thực hiện giảm phát thải nhà kính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO