Những năm qua, tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn diễn biến ngày càng phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã gây thiệt hại lớn về người và của, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống đối với các địa phương trong khu vực Nam Trung bộ. Có thể kể đến như đợt mưa lũ “đặc biệt lớn” kéo dài cả 1 tháng cho các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa năm 2016; cơn bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa năm 2017; đợt mưa lớn gây sạt lở đất cho thành phố Nha Trang năm 2018...
Trong khi đó, các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng phát triển đa dạng với nhiều ngành, nghề khác nhau và địa bàn của các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng mở rộng cả ở vùng núi và vùng biển; nhiều vùng có nguy cơ thiên tai khí tượng thủy văn cao dẫn đến những khó khăn mới trong công tác dự báo KTTV.
Trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đòi hỏi các bản tin dự báo KTTV có thời gian dự kiến dài hơn, độ chính xác cao hơn, phong trào thi đua “Theo dõi, dự báo, cảnh báo kịp thời về tình hình KTTV, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm, phát hiện và đưa tin cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng KTTV nguy hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng” đã được phát động rộng khắp trong toàn Đài KTTV khu vực Nam Trung bộ.
Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Dự báo KTTV, Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ cho biết, các cán bộ, nhân viên của Đài không ngừng phấn đấu, tích cực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác dự báo, cảnh báo.
Một số sáng kiến điển hình như: Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chương trình giải mã số liệu KTTV; phần mềm tích hợp thông tin khí tượng, khí hậu phục vụ dự báo nghiệp vụ; ứng dụng phần mềm CPT để dự báo khí hậu; xây dựng hệ thống tích hợp hiển thị thông tin KTTV; ứng dụng mô hình Mike Nam, Mike 21, Mike Flood để dự báo lũ và xây dựng bản đồ ngập lụt; mô hình ROMS, SWAN để dự báo sóng, thủy triều...
Mưa lũ tại Khánh Hòa năm 2018 |
Nhờ đó, chất lượng các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn ngày một nâng cao, nhiều tiến bộ khoa học đã được triển khai ứng dụng có hiệu quả; hình thức và nội dung các bản tin dự báo KTTV đã không ngừng được cải tiến qua từng năm theo hướng gần gũi, dễ hiểu hơn đối với người dân.
Đặc biệt, thời gian dự báo của nhiều cơn bão đã được nâng lên mức 48 - 72 giờ; các bản tin cảnh báo dự báo đã kịp thời đưa lên Website của Đài, các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, các cơ quan chỉ đạo phòng chống lụt bão góp phần đáng kể vào công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo ông Hưng, Đài KTTV Nam Trung bộ đã khai thác và ứng dụng có hiệu quả các phương tiện mới lắp đặt và các công nghệ mới như ảnh mây vệ tinh, radar... vào việc xây dựng các mô hình, phương án dự báo phù hợp với đặc diểm tình hình thời tiết, thủy văn của khu vực.
“Việc đẩy mạnh và từng bước ứng dụng các công nghệ và sản phẩm mới trong dự báo, nhất là dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm; khai thác có hiệu quả số liệu quan trắc từ hệ thống các trạm KTTV tự động đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dự báo mưa lớn, nắng nóng cho các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Các bản tin dự báo phục vụ địa phương cũng ngày càng kịp thời và chính xác”, ông Hưng cho hay.
Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng sự nỗ lực, đoàn kết của cán bộ viên chức Đài KTTV khu vực Nam Trung bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị dự báo từ Trung ương tới địa phương, chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo KTTV không ngừng được cải thiện, qua đó, phục vụ công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao.
Chất lượng dự báo hạn ngắn, hạn vừa của Đài KTTV khu vực Nam Trung bộ đều đạt và vượt chỉ tiêu Tổng cục KTTV giao. Năm 2019, chất lượng dự báo khí tượng hạn ngắn 93,7%, hạn vừa 86,2%; dự báo thủy văn hạn ngắn 87,1%, hạn vừa 93,1%.