Hiện đại hóa đô thị Đà Nẵng dựa trên thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Anh Dũng| 29/11/2019 12:45

(TN&MT) - Đó là chủ đề tọa đàm diễn ra sáng nay (29/11) do Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung – Tây nguyên tổ chức.

Ông Trần Văn Tấn, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung - Tây nguyên phát biểu khai mạc Tọa đàm  

Theo dự báo của Liên hiệp quốc, đến năm 2060 sẽ có khoảng 72% dân số của trái đất sống ở đô thị. Có lẽ ở Việt Nam ta và thành phố Đà Nẵng, một thành phố có tốc độ đô thị hóa vào loại nhanh của khu vực cũng không nằm ngoài xu hướng đó

Đô thị hóa là một quá trình tất yếu trong đời sống hiện đại, nhưng đây là một quá trình diễn ra rất phức tạp có liên quan đến nhiều lĩnh vực và trước đó là lĩnh vực quản lý.

Quản lý đô thị là một lĩnh vực rộng lớn mang tính đa ngành và mang tính thời đại. Thành phố Đà Nẵng mang vóc dáng ngày nay là một thành phố trẻ mới phát triển, có nhiều ưu thế về quy hoạch, về kiến trúc, về môi trường sống, môi trường văn hóa, nhưng cũng có không ít những vấn đề đặt ra đối với cuộc sống của người dân từ dòng chảy của xã hội hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ nền kinh tế số, mà ở đó cuộc sống con người ngày càng cao hơn, nhưng cũng càng ngày càng giản tiện hơn, thoải mái hơn, văn hóa hơn, nhân văn hơn…

Trong công tác quản lý nói chung và quản lý đô thị nói riêng, mọi mục tiêu phát triển hướng đến phục vụ con người, vì cuộc sống tốt đẹp của con người. Thành phố Đà Nẵng khi mới trực thuộc Trung ương chỉ có khoảng trên 700.000 dân đến nay con số này đã là trên 1 triệu 400 ngàn người. Với dân số này, so với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác ở nước ta là chưa lớn, nhưng để chừng ấy con người mà trong đó có không ít người mới nhập cư sống một cách đàng hoàng, hạnh phúc ắt không phải chuyện dễ dàng. Gần đây,thành phố công bố đề án Xây dựng thành phố thông minh qua nhiều giai đoạn bắt đầu từ năm 2018 (giai đoạn 1 từ năm 2018-2020, giai đoạn 2 từ năm 2021-2025, giai đoạn 3 từ năm 2026-2030) với 4 mục tiêu tổng quát nhất: một là đảm bảo tốc độ kinh tế tăng trưởng bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, hai là quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo, ba là nâng cao chất lượng sống và môi trường làm việc, bốn là tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức. Như vậy, hiểu một cách nôm na, điều này có nghĩa là người dân của thành phố sẽ được hệ thống quản lý thành phố phục vụ tốt hơn, thành phố đáng sống như mọi người thường vẫn nói sẽ càng đáng sống hơn.

Nghị quyết số 43 - NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, có mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ là đô thị thông minh như các độ thị khác của các nước ASEAN.

ThS, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải (Báo Tài nguyên & Môi trường) trình bày tham luận “Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị xanh - thông minh”

Đó là lý do Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung - Tây Nguyên tổ chức buổi Tọa đàm “Thúc đẩy hiện đại hóa đô thị Đà Nẵng dựa trên cơ sở tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số”. Báo Tài nguyên & Môi trường có bài tham luận “Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị xanh - thông minh” được trình bày tại buổi tọa đàm, bên cạnh các bài tham luận: “Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4” của PGS, TS Phạm Thanh Khiết, “Đô thị hóa và thực trạng vỉa hè Đà Nẵng hiện nay” của TS Đỗ Thanh Phương, “Hình thành các khu phố vệ tinh đáp ứng nhu cầu phát triển Công nghiệp tại Đà Nẵng” của ThS, Nhà báo Nguyễn Đình Tăng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiện đại hóa đô thị Đà Nẵng dựa trên thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO