Hệ thống đô thị, nông thôn phải kết nối, tích hợp các quy hoạch chuyên ngành quốc gia
Sáng 24/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).
Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Quy hoạch cần đánh giá toàn diện tình hình tổ chức, thực hiện phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, vai trò của các công cụ quy hoạch đô thị, nông thôn, những bất cập, tồn tại hiện tại, cũng như đưa ra tư duy đổi mới, phù hợp với xu thế tương lai.
"Quy hoạch phải làm rõ cơ sở pháp lý, tiêu chí, những vấn đề mới, khó đặt ra trong mối quan hệ với các quy hoạch quốc gia chuyên ngành", Phó Thủ tướng nói và mong muốn các thành viên Hội đồng, chuyên gia phản biện "gửi gắm" những suy nghĩ, định hướng để Quy hoạch thực sự đi vào cuộc sống.
Đô thị là động lực, nông thôn là nền tảng
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, cho đến trước thời điểm lập Quy hoạch, cả nước đã xuất hiện nhiều đô thị trung tâm quốc gia, cấp vùng, chuyên ngành, bước đầu hình thành các vùng đô thị cấp quốc gia, cấp vùng. Không gian hành chính đô thị mở rộng ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Đô thị hoá nông thôn diễn ra ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, vai trò đô thị đối với liên kết kinh tế vùng còn yếu, chưa cạnh tranh kinh tế đô thị được với các quốc gia trong khu vực. Nhiều đô thị thiếu động lực phát triển. Nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số đô thị. Không gian phát triển đô thị đang bị dàn trải, mở rộng nhanh hơn so với tốc độ đô thị hoá dân số. Khu vực nông thôn chưa có quy hoạch cấp quốc gia.
Tiềm năng văn hoá tạo dựng môi trường sống có bản sắc chưa được phát huy. Chính sách phát triển giữa đô thị và nông thôn còn khoảng cách.
Quan điểm hàng đầu của Quy hoạch là phát triển đô thị trở thành động lực, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế. Nông thôn là nền tảng để phát triển bền vững đô thị.
Không gian đô thị, nông thôn gắn với không gian, phân vùng phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết hiệu quả với hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia.
Đến năm 2030, dự kiến tỉ lệ đô thị hoá cả nước đạt trên 50%, với khoảng 1.000-1.200 đô thị bao gồm 4 vùng đô thị (TP. Hà Nội, TPHCM, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ); các thành phố Trung ương có quy mô dân số trên 1 triệu người; hệ thống đô thị trung tâm cấp vùng, tỉnh, huyện và chuỗi, chùm đô thị, chuyên ngành cấp quốc gia, cấp vùng; mạng lưới đô thị vừa và nhỏ vùng biên giới, ven biển, hải đảo. Khu vực đô thị sẽ đóng góp khoảng 85% GDP cho nền kinh tế.
Khu vực nông thôn được quy hoạch, phát triển toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hoá,; có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý, tạo sinh kế bền vững; giữ ổn định xã hội nông thôn, nâng cao dân trí, bảo đảm an ninh, trật tự… Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, cả nước có 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Chiến lược trọng tâm phát triển đô thị, nông thôn tập trung vào giải quyết các bất cập, hạn chế trong phân bố mạng lưới; tích hợp liên ngành với bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội; quản trị.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia được tổ chức trên phạm vi vùng, liên vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại gồm giao thông vận tải, thoát nước, cung cấp nước sạch, thu gom chất thải, cung cấp năng lượng, viễn thông.
Kiến trúc cảnh quan của mỗi vùng và đô thị, nông thôn cần có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển, hài hoà giữa truyền thống văn hoá lịch sử và yêu cầu phát triển mới.
Quy hoạch cũng đưa ra định hướng, nguyên tắc quan trọng về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; liên kết vùng, liên kết ngành; sử dụng đất đai;… ở đô thị và nông thôn.
"Quy hoạch không dừng lại ở định hướng mà phải đưa ra cơ sở pháp lý, quan điểm, phương pháp rõ ràng cho các biện pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, yếu kém ở khu vực đô thị, nông thôn hiện nay, trước khi hướng tới các mục tiêu cao hơn trong tương lai. "Quy hoạch cần tầm nhìn xa nhưng cũng phải ngăn ngừa, khắc phục ngay bất cập, hạn chế hiện tại", Phó Thủ tướng nói.
Đại diện một số bộ, ngành, chuyên gia phản biện, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Tại phiên họp, các uỷ viên phản biện, đại diện một số bộ, ngành đã làm rõ thêm các yêu cầu, giải pháp để bảo đảm hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn. Cơ chế, chính sách bảo đảm kết nối đô thị-nông thôn trong mối liên kết vùng, liên kết ngành. Nguyên tắc, tiêu chí phân bố tổ chức khu dân cư nông thôn gắn với vùng sinh thái nông nghiệp, tự nhiên, bảo đảm sinh kế với các hoạt động kinh tế đa dạng, gìn giữ bản sắc văn hoá, phòng, tránh thiên tai, sạt lở. Các vấn đề môi trường chính đặt ra trong Quy hoạch như suy giảm trữ lượng, chất lượng nước, không khí, đa dạng sinh học; gia tăng chất thải rắn, nguy cơ thiên tai và sự cố môi trường…
Xây dựng tiêu chí phát triển đô thị, nông thôn
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, không gian sống, tương lai phát triển, sinh kế của người dân, được lập ở tầm quốc gia. Vì vậy, Quy hoạch phải là công cụ để cụ thể hoá, hiện thực hoá các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi năng lượng, kết cấu hạ tầng, văn hoá xã hội, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng…
Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn sẽ kết nối về mặt không gian của các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành. Do đó, cùng với việc làm rõ, hoàn thiện các căn cứ pháp lý, đơn vị tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học cần xây dựng, bổ sung khái niệm, tiêu chí làm căn cứ khoa học, phương pháp lập quy hoạch, trên cơ sở tiếp cận đầy đủ thông tin kịch bản về môi trường thiên nhiên, biến đổi khí hậu, bản đồ địa chất, địa mạo… để quyết định chức năng, điều kiện cụ thể cho sự phát triển đô thị, nông thôn.
"Quy hoạch phải chỉ ra những vấn đề về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phương pháp luận, các tồn tại, hạn chế ở đô thị, nông thôn, từ đó, xác định các nội dung, công việc trước mắt, lâu dài và lộ trình thực hiện cụ thể, phù hợp", Phó Thủ tướng gợi mở.
Phó Thủ tướng nêu một số định hướng xuyên suốt khi lập, triển khai Quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn như: Chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, xây dựng tiêu chí về văn minh, hạnh phúc; giữ bản sắc văn hoá dân tộc trong kiến trúc cảnh quan; đổi mới tư duy về hạ tầng kỹ thuật,…
Đồng thời, Quy hoạch phải làm rõ hơn nội dung phát triển kinh tế nông thôn về nông nghiệp, dịch vụ phi nông nghiệp, thương mại, du lịch, làng nghề...; chú trọng những nét khác biệt và đặc trưng văn hóa của nông thôn ven biển, miền núi, đồng bằng, môi trường trong lành, hòa thuận với thiên nhiên, gần gũi với con người hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu phân tích toàn diện các mô hình đô thị, nông thôn hiện có để xác định hướng đi tiếp theo của mô hình chùm đô thị, đô thị vệ tinh, thành phố trong thành phố, nông thôn trong thành phố…, trong đó lưu ý đến kết hợp hài hoà, hiệu quả hệ thống hạ tầng, kỹ thuật với phát triển đô thị.
"Ngoài không gian đô thị, nông thôn, Quy hoạch cần chú ý hơn nữa các không gian khác như vùng đệm của các đô thị, khu dân cư nông thôn, bao trùm lên là không gian sinh tồn, bảo tồn, các yếu tố văn hoá, tự nhiên", Phó Thủ tướng nói.
Đồng tình với các ý kiến cho rằng không có hạ tầng thì không thể phát triển, Phó Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng đô thị chạy theo tuyến đường mà hình thành đô thị theo các hướng tuyến, giao thông.
Phó Thủ tướng khẳng định Quy hoạch là bước đầu tiên định hình những vấn đề về mặt khoa học, pháp lý cần hoàn thiện; đồng thời xây dựng các tiêu chí nhằm đạt mục tiêu toàn diện về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, hiệu quả, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh... trong phát triển đô thị, nông thôn. Như vậy mới có thể vừa khắc phục, xử lý những tồn tại, bất cập hiện nay, đưa ra lời giải cho các bài toán tương lai song vẫn gìn giữ và phát huy giá trị vốn có của đô thị, nông thôn Việt Nam.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, đơn vị tư vấn tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp; có phương án xây dựng cơ sở dữ liệu về kỹ thuật, kinh tế, xã hội… phục vụ triển khai Quy hoạch.