Hệ thống Bắc Hưng Hải “oằn mình” hứng ô nhiễm

Bài, ảnh: Phạm Hoàng| 20/09/2019 23:40

(TN&MT) - Hiện nay, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang ở mức báo động “đỏ” ô nhiễm trên toàn tuyến. Báo cáo mới nhất cả Công ty TNHH một thành viên Bắc Hưng hải cho biết hệ thống thủy lợi đang phải tiếp nhận 100% nước thải sinh hoạt chăn nuôi, làng nghề và 70 - 80% nước thải công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu thải vào hệ thống thủy lợi ... Cơ quan này đánh giá, nếu không có giải pháp quyết liệt, chung tay, góp sức của chính quyền, địa phương các tỉnh, thành có hệ thống Bắc Hưng Hải chảy qua, thì chẳng bao lâu, hệ thống thủy lợi này không còn là nguồn “sinh lợi” cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, mà trở thành dòng kênh “chết”!

 Mang dòng nước “chết”

Chưa cần kiểm tra bằng các chỉ tiêu chất lượng, chỉ bằng mắt thường, chúng ta có thể thấy trên hệ thống Bắc Hưng Hải nước luôn có màu đen kịt như đổ dầu luyn, bốc mùi hôi thối nồng nặc… mỗi khi đi qua hệ thống kênh này, ai cũng phải bịt mũi, lắc đầu ngao ngán. Càng ngày mức độ “bẩn” của kênh Bắc Hưng Hải ngày càng gia tăng theo cấp số nhân, vì hàng ngày phải hứng chịu gần năm trăm nghìn m3 nước thải ô nhiễm nghiêm trọng từ tất cả các nguồn thải khác nhau như: Nước sinh hoạt, nước thải công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; nước thải làng nghề, nước thải chăn nuôi, nước thải y tế… Trong đó, có tới gần 100% nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề và lê đến 80% nước thải công nghiệp, sản xuất kinh doanh chưa được xử lý, hoặc xử lý không đạt yêu cầu trước khi xả vào công trình thủy lợi.
 

1
Hệ thống Bắc Hưng Hải qua địa bàn Hải Dương thường xuyên cá bị chết 

Còn kiểm chứng bằng khoa học, gần đây nhất (tháng 7/2019) theo kết quả báo cáo của Viện nước, tưới tiêu và môi trường 15 vị trí quan trắc cho thấy: 9/15 vị trí có hàm lượng DO hòa tan< 3mg/l có ảnh hưởng đến sinh trưởng của thủy sản, 12/15 vị trí có hàm lượng BOD5 vượt Quy chuẩn Việt Nam dưới 5 lần; 3/15 vị trí có hàm lượng NH4 vượt Quy chuẩn Việt Nam trên 10 lần (ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng) 7/15 vị trí hàm lượng NH4 vượt Quy chuẩn Việt Nam từ 5 – 10 lần (ô nhiễm nghiêm trọng). Trong đó, các địa bàn tỉnh, thành phố có hệ thống Bắc Hưng Hải chảy qua kết quả quan trắc, phân tích môi trường hầu hết các tuyến kênh đều bị ô nhiễm, giá trị vượt chuẩn cao với mức cho phép. Cụ thể địa bàn tỉnh Hải Dương: Thông số E.Coli có giá trị vượt chuẩn cho phép từ 2,0 đến 43 lần, thông số NO2N có giá trị vượt chuẩn cho phép từ 1,1 đến 21 lần; thông số DO có giá trị không đạt quy chuẩn cho phép, thông số PO4- P có giá trị vượt chuẩn cho phép từ 7.3 đến 9.73 lần, thông số Coliform có giá trị vượt chuẩn cho phép 1,24 lần… Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội chỉ tiêu DO rất thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa, cá và các sinh vật thủy sinh có thể bị chết. Một số chỉ tiêu vượt quá mức độ cho phép, như: NH4 vượt 23,33 lần, BOD5 vượt 2,39 lần, COD vượt 3,40 lần; NO2 vượt 1,4 lần, PO4 vượt 11,13 lần; Colifrom vượt 122,67 lần.

Việc ô nhiễm nguồn nước đang biến hệ thống Bắc Hưng Hải thành dòng kênh “chết” ảnh hưởng trực tiếp phát triển kinh tế, đời sống, sinh hoạt… điển hình trên sông Điện Biên từ vị trí tiếp nhận nước thải thành phố Hưng Yên đến thị trấn Lương Bằng trước khi đổ ra sông Cửu An, nước có màu xanh lục, hôi thối nồng nặc… khiến các thực vật thủy sinh biến mất hoàn toàn. Nước thải Khu công nghiệp Phố Nối B có mùi hôi thối, nước ô nhiễm nghiêm trọng, các hộ nuôi thủy sản không thể lấy nước vào ao nuôi cá. Trên kênh 10 tiếp nhận nước thải sinh hoạt và làng nghề Tứ Dân, thường xuyên có hiện tượng cá chết nổi trắng trên sông...

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, chia sẻ: “Hiện nay, hệ thống Bắc Hưng Hải đang mỗi ngày một thêm ô nhiễm, để hạn chế tình trạng này đang là bài toán nan giải. Mặc dù, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt… Nguyên nhân dẫn đến hệ thống Bắc Hưng Hải ô nhiễm là do: Các kênh cấp 2 chằng chịt đổ vào hệ thống kênh trục chính, các khu, cụm công nghiệp và cơ sở chăn nuôi, sản xuất; làng nghề không được kiểm soát chặt chẽ nên tất cả nước thải ô nhiễm đang khiến hệ thống kênh phải “hứng” chịu. Đặc biệt, việc phối kết hợp giữa chính quyền địa phương, ban, ngành… vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nhiều các cơ sở sản xuất, Cụm công nghiệp xả thải ô nhiễm môi trường đổ ra kênh cấp 2, khi Công ty phát hiện gửi văn bản đến các cơ quan chức năng, ngành quản lý tài nguyên & môi trường, nhưng không được hợp tác phối hợp. Thậm chí chỉ với một cơ sở sản xuất tư nhân, khi phát hiện xả nước thải gây ô nhiễm, Công ty lập biên bản, gửi Công văn đến chính quyền địa phương, nhưng hàng năm trời vẫn không được phúc đáp và xử lý triệt để.
 

2
Kênh T2 trên địa bàn TP. Hải Dương ô nhiễm nghiêm trọng

Điển hình như trên địa bàn tỉnh Hải Dương: Kênh T2 nước luôn có màu xanh đen, hôi thối. Đây là, hệ thống kênh tiêu nước thải của bệnh viện, Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Dương. Công ty đã nhiều lần gửi Văn bản đến UBND thành phố Hải Dương, Công ty Cổ phần quản lý Công trình đô thị thành phố Hải Dương để phối hợp thực hiện, có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, nhưng không nhận được Văn bản trả lời. Khi Công ty phát hiện ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước trên kênh Cầu Sộp – Phủ ven đường 392 huyện Bình Giang, nguyên nhân do việc xả thải của các nhà máy, công ty tái chế bao bì nhựa ở Cụm công nghiệp Tân Hồng xả thải ra môi trường. Để ngăn chặn và xử lý dứt điểm “điểm đen” ô nhiễm Công ty đã gửi Văn bản đến UBND huyện Bình Giang, Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương nhưng mãi “nhùng nhẳng” 2 năm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Tháng 11/2018, Công ty kiểm tra việc xả thải trực tiếp ra kênh cấp 2 của cơ sở tái chế bao bì bà Nguyễn Thị Tạo, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang. Ngay sau đó, Công ty đã có văn bản gửi UBND huyện Bình Giang, Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương, nhưng đến thời điểm hiện nay cơ sở này vẫn không bị xử lý, mà còn ngang nhiên hoạt động xả nước thải chưa qua xử lý nhiều hơn ra kênh. Cũng tình trạng như vậy, tại địa bàn tỉnh Hưng Yên, ngày 15/11 Công ty đã phát hiện cơ sở tái chế bao bì của hộ ông Nguyễn Hữu Sơn, xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, khi có Văn bản yêu cầu cơ sở vẫn không chấm dứt việc xả thải ra kênh.
 

3
Mặc dù có Văn bản gửi ngành tài nguyên & môi trường Hải Dương, nhưng gần năm qua cơ sở tái chế bao bì của bà Nguyễn Thị Tạo vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm 

Ngoài ra, các nguồn xả thải từ các nhà máy xuống kênh cấp 2 do các Công ty khai thác Công trình thủy lợi tỉnh quản lý, chảy vào hệ thống kênh trục vẫn chưa quản lý được (do nằm ngoài phạm vi quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải).
Đây chính là những điểm ô nhiễm đáng báo động, như: Kênh Cầu Bây, kênh Trấn Thành Ngọ, kênh T2 thành phố Hải Dương chảy vào kênh trục Bắc Hưng Hải. Nhiều Công ty, cơ sở sản xuất xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải, nhưng không gửi Giấy phép xả thải, nên việc theo dõi khó khăn, không có chế tài cho phép Công ty được xử phạt. Nhiều đơn vị Giấy phép xả thải hết hạn, Công ty yêu cầu nhiều lần vẫn chưa được cung cấp, cụ thể: Điểm xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải chưa xác định được lưu lượng là 1.305 điểm; Giấy phép xả thải cột B là 27 điểm, cấp không đúng thẩm quyền là 56 điểm, Giấy phép đã hết hạn 73 điểm.”

Để hệ thống Bắc Hưng Hải không phải “oằn mình” hứng ô nhiễm, kênh đang dần bị “chết” trách nhiệm không chỉ riêng Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, mà các cấp chính quyền địa phương, ban, ngành cần vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ xử lý dứt điểm, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống Bắc Hưng Hải “oằn mình” hứng ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO