Đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ trước 15/7
Về vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đắc Lực cho biết: Ngay sau khi có chỉ đạo của Tổng cục Quản lý đất đai về công tác lập Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, Sở TN&MT đã ban hành 17 văn bản đôn đốc, hướng dẫn quy trình thực hiện; tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 9 văn bản chỉ đạo UBND cấp huyện tổ chức thực hiện; tham mưu đề nghị UBND tỉnh tổ chức trên 30 cuộc họp và hội nghị để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ.
Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố đã tập trung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Song, việc ký hợp đồng đơn vị tư vấn của các huyện, thành phố về việc lập quy hoạch chậm so với tiến độ. Quá trình các huyện, thành phố trình thẩm định có phát sinh nhu cầu sử dụng đất của một số công trình dự án, dẫn đến phải chỉnh sửa, cập nhật, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất, thực hiện lại quy trình bổ sung các chỉ tiêu ở huyện, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Đến thời điểm hiện nay, Sở TN&MT đã nhận được Tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt của các huyện, thành phố. Tuy nhiên, hồ sơ gửi kèm Tờ trình chưa đầy đủ, chưa đảm bảo và đã đề nghị các huyện, thành phố hoàn thiện, bổ sung hồ sơ tại cuộc họp ngày 4/7/2022 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu chủ trì; thống nhất hoàn thiện trước ngày 15/7/2022.
Theo Giám đốc Sở TN&MT, qua rà soát, kiểm tra hồ sơ thì UBND các huyện, thành phố chưa làm hết trách nhiệm của chủ đầu tư, một số dự án đã có trong danh mục, dự án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 nhưng chưa xác định được vị trí trên bản đồ; nhiều khu vực quy hoạch đất ở rất manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung, chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng đất gắn với xây dựng nhà ở… gây khó khăn cho việc đầu tư xây dựng các dự án phát triển hạ tầng. Do đó, cần phải rà soát kỹ sản phẩm hồ sơ trước khi quyết định phê duyệt và công bố công khai.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến đấu giá đất đạt thấp
Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Sở TN&MT đã có các văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức thực hiện: Trường hợp chỉ tiêu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực hiện hết thì UBND các huyện, thành phố căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất năm 2021 đã được UBND tỉnh phê duyệt chỉ đạo thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo kết quả rà soát danh mục các khu đất được ban hành kèm theo Kế hoạch khai thác quỹ đất năm 2022, toàn tỉnh có 55 khu đất trong danh mục kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cấp huyện đã được phê duyệt với tổng diện tích 114,63 ha; tổng số tiền dự kiến thu được 424,498 tỷ đồng. Từ chỉ tiêu sử dụng đất còn lại chưa thực hiện hết trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2021, UBND các huyện, thành phố vẫn đủ điều kiện để triển khai các dự án thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất trong năm 2022.
Tuy nhiên, đến nay, nguồn thu của các huyện còn thấp. Theo kết quả tổng hợp báo cáo từ các huyện, thành phố thì nguyên nhân, khó khăn vướng mắc trong tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất 7 tháng đầu năm 2022 là do: Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Các huyện đang tập trung giải phóng mặt bằng; đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; trình phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho khu vực đấu giá; xác định giá khởi điểm; lập phương án tổ chức đấu giá nên chưa triển khai tổ chức đấu giá. Người dân ít có nhu cầu về đất ở, nhu cầu tham gia đấu giá còn hạn chế. Một số thửa đất liên quan đến tài sản công, hiện chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thái Hưng đã đề nghị Sở TN&MT tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố hoàn thiện hồ sơ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, phấn đấu hoàn thành sớm nhất trong tháng 7/2022. Triển khai các dự án thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất trong năm 2022 trên cơ sở rà soát các chỉ tiêu sử dụng đất, góp phần đảm bảo tiến độ nguồn thu tiền sử dụng đất.
Đề nghị UBND các huyện, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, là cơ sở để triển khai các quy hoạch có liên quan, các dự án đầu tư công và thu hút đầu tư trên địa bàn, cần được xem xét, đánh giá trong việc xếp loại, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
Các nhóm giải pháp chống ngập úng đô thị
Tại phiên chất vấn, Tổ đại biểu huyện Yên Châu đã nêu vấn đề về giải pháp giảm thiểu tình trạng ngập úng khi xảy ra mưa lớn tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Ngọc Chung đã nhận trách nhiệm tham mưu quản lý Nhà nước về quy hoạch, định hướng phát triển hạ tầng thoát nước. Tình trạng ngập úng cục bộ tại thành phố Sơn La và một số đô thị trên địa bàn tỉnh có nhiều nguyên nhân, như: Thành phố Sơn La được phát triển từ đô thị loại IV lên loại II, trong khi hạ tầng thoát nước mặc dù được cải tạo nhưng vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu thiết kế cơ sở ban đầu. Một số hộ dân tự ý xây dựng, lấn chiếm lòng suối, dòng chảy như khu vực nhà hàng Vườn Đào đến siêu thị Đ&T, bến xe Sơn La… xả rác còn tuỳ tiện, không đúng nơi quy định, gây tắc nghẽn và giảm tiết diện dòng chảy....
Về giải pháp khắc phục trước mắt: Rà soát các công trình xây dựng không phép, trái phép, các điểm tập kết vật liệu gây ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước. Rà soát, thống kê các điểm thường xuyên ngập úng cục bộ, các điểm có nguy cơ sạt lở, sụt lún, mất an toàn khi mưa lũ. Tuyên truyền, vận động người dân không tự ý chiếm, lấp các cửa thu, hố ga thu nước ven đường để nâng cao khả năng thoát nước đô thị; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Về lâu dài: Từng bước di dời các cơ sở, nhà ở tại các điểm thường xuyên ngập úng đến nơi có địa thế ổn định, thoát nước tốt. Xây dựng hệ thống thu gom nước mặt từ các lưu vực sườn đồi, khe núi chảy ra đô thị bằng hệ thống hào tuy nen, kênh kín ngầm dưới lòng đường giao thông; cải tạo, mở rộng hệ thống kênh thoát nước hiện hữu, nhất là những khu vực thường xuyên bị ngập úng cục bộ...
Hết phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án thoát nước trọng điểm tại thành phố Sơn La theo lộ trình, kế hoạch. Tăng cường duy tu, duy trì hệ thống thoát nước; thường xuyên nạo vét, khơi thông dòng chảy đảm bảo thoát nước đô thị. Tăng cường quản lý hoạt động xây dựng, rà soát, xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm dòng sông và các công trình thoát nước, các điểm tập kết vật liệu gây ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước. Chỉ đạo UBND thành phố Sơn La phối hợp với Cục Quản lý đường bộ I, Tổng cục đường bộ Việt Nam tăng cường quản lý hành lang, hạ tầng đô thị, đảm bảo điều kiện thoát nước của công trình đường bộ về việc xử lý ngập, úng trên QL.6 đoạn qua thành phố Sơn La.
Phiên chất vấn cũng ghi nhận 3 ý kiến chất vấn gồm: Chất vấn Giám đốc Sở Giao thông vận tải về giải pháp thực hiện việc cắm biển, kẻ vạch các điểm đỗ xe trên các tuyến đường đảm bảo xe đỗ đúng quy định, giải quyết tình trạng ùn tắc cục bộ tại các đô thị. Chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT về giải pháp, biện pháp thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đường giao thông, thủy lợi, điện…để đạt mục tiêu xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giải pháp phát triển hiệu quả chính sách về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn…
Thông qua 28 Nghị quyết chuyên đề
Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Sơn La khóa XV diễn ra trong 2 ngày 13-14/7; đã xem xét, thảo luận và thông qua 28 Nghị quyết về hoạt động của HĐND tỉnh và các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Với nhiều nội dung trọng tâm về: Đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc Quốc lộ 6 trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050; Đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc Sông Đà trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai;
Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường; Danh mục bổ sung cho phép chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án đầu tư năm 2022; Danh mục bổ sung công trình, dự án Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư năm 2022; Hủy bỏ danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được HĐND tỉnh thông qua…