Qua tìm hiểu của phóng viên được biết: Năm 2008, 12 trang trại chăn nuôi lợn được tiến hành xây dựng trên địa bàn 2 thôn Minh Hùng và Phú Thành xã Minh Lộc, công suất thiết kế là 8.500 con. Trong đó, phía Công ty Cổ Phần CiPi chi nhánh Thanh Hóa có trách nhiệm quản lý, cung cấp con giống và chuyển giao công nghệ nuôi cho các hộ nuôi.
Từ khi Khu trang trại chăn nuôi lợn tập trung đi vào hoạt động, cũng là lúc người dân sống gần khu vực phải gánh chịu mùi hôi thối nồng nặc, cuộc sống của họ trở nên đảo lộn, đời sống sinh hoạt và lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, trong đợt cao điểm phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, việc xuất bán lợn của các trang trại diễn ra chậm chạp, cùng với đó là thời tiết nắng nóng kéo dài, mùi hôi thối phát sinh càng mạnh hơn.
Ông Vũ Văn Toàn, sống ở thôn Phú Thành, xã Minh Lộc cho biết: Mùi hôi thối phát ra từ các trang trại lợn chăn nuôi heo (lợn) ngày nào cũng có, nặng mùi nhất là lúc chiều tối, khi họ tiến hành vệ sinh chuồng trại, thối không chịu được. Nhiều hôm tôi phải đóng chặt cửa lại nhưng gió thổi kéo theo mùi khăm khẳm, tanh tanh, vẫn len lỏi được vào nhà.
Tiếp xúc với Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường nhiều hộ dân thôn Hoa Trường, xã Hoa Lộc bức xúc cho biết: “Hàng chục năm nay, chúng tôi phải sống chung với mùi hôi thối phát ra từ các trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại xã Minh Lộc. Khoảng cách từ nhà chúng tôi đến khu vực nuôi lợn quá gần, nên chỉ cần hít nhẹ là mùi tanh hôi xộc thẳng lên tận mũi, gây khó thở, đau đầu, chỉ tội cho trẻ nhỏ và người già. Mùi thối rõ nhất là từ 2h chiều đến tận đêm, dù đóng kín cửa và bật quạt cả ngày, thậm chí phải đeo khẩu trang nhưng trong nhà vẫn ám mùi thối. Bên cạnh đó, nước thải phía sau trang trại không được xử lý, và xả trực tiếp ra ngoài môi trường, hễ trời mưa to là tràn ra sông. Rất mong chính quyền địa phương và các cấp ban ngành sớm kiểm tra, xử lý, trả lại cuộc sống trong lành cho chúng tôi”.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại xã Minh Lộc đều xây tường rào bao quanh, cổng ra vào được đóng kín, khu chứa chất thải được che chắn sơ sài bởi tấm lợp fibro xi măng. Men theo con đê sông Cầu De, chúng tôi tiếp cận khu vực phía sau trang trại, tại đây các hồ chứa nước thải được đắp bằng đất rất tạm bợ, nước thải chưa qua xử lý trong hồ có màu đen kịt, đặc sánh và bốc mùi hôi thối nồng nặc, khó chịu. Nước thải từ các hồ chứa được chảy trực tiếp vào một con mương, rồi dẫn ra khu vực cống thoát nước nằm sát sông, nguy cơ ô nhiễm là rất cao.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Hoàng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lộc, cho biết: Việc các trang trại chăn nuôi lợn phát sinh mùi hôi thối là không thể tránh khỏi. Có thể là do lúc bà con tiến hành vệ sinh chuồng trại, sau đó gió đưa mùi bay thẳng vào các hộ dân. Để giảm thiểu mùi, chúng tôi đã có thông báo yêu cầu Công ty Cổ phần CiPi Việt Nam và các chủ trang trại dừng việc nhập lợn và tiến hành xuất bán từ ngày 15/4 đến ngày 1/8, đồng thời yêu cầu họ vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Nếu như vẫn còn mùi, UBND xã sẽ kiến nghị lên UBND huyện để kiểm tra, xử lý.