PV: Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai công tác ứng phó với BĐKH như thế nào, thưa ông?
Ông Trương Cảnh Tuyên:
Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang rất quan tâm đến công tác ứng phó BĐKH nói chung và chỉ đạo sâu sát việc triển khai các giải pháp ứng phó với hạn, mặn, sạt lở, lũ lụt, giông, bão. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số Nghị quyết, Chương trình, kết luận quan trọng của Trung ương về ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Hậu Giang cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, dự báo, cảnh báo thiên tai đến cộng đồng dân cư; huy động các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, người dân địa phương tham gia ứng phó với BĐKH; triển khai chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khóa về kiến thức ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai.
Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang. |
Đồng thời, tập trung lồng ghép thích ứng BĐKH vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; lập đồ án quy hoạch xây dựng và đô thị; thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 và phê duyệt kết quả nhiệm vụ xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi mùa vụ, mô hình canh tác, sử dụng đất thích ứng với BĐKH; nghiên cứu ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng với hạn mặn, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước tại từng tiểu vùng; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng để dự báo, thực hiện công trình ứng phó xâm nhập mặn, quản lý khai thác cát, nước ngầm và phối hợp đề xuất các dự án liên kết vùng ĐBSCL phát triển bền vững thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết số 120/NQ-CP.
PV: Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật mà tỉnh Hậu Giang đã đạt được trong công tác ứng phó với BĐKH?
Ông Trương Cảnh Tuyên:
Tỉnh Hậu Giang đã kịp thời triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương; đồng thời, tranh thủ các nguồn lực để triển khai thực hiện các công trình, dự án ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh; chủ động lồng ghép thích ứng với BĐKH trong từng ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác phòng chống thiên tai và hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ứng phó BĐKH của tỉnh ngày càng được tăng cường, đồng bộ ở các cấp, các ngành, phổ biến sâu rộng trong cộng đồng dân cư, từ đó tạo những chuyển biến cho người dân trong việc chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả; sử dụng hệ thống tưới phun tự động thích ứng với hạn hán trong vườn cây ăn trái; xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học; trồng rau và dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh Hậu Giang hiện đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cây lúa để vừa đảm bảo năng suất, vừa thích ứng với BĐKH. |
Tỉnh Hậu Giang cũng đã triển khai các dự án năng lượng sạch, đóng góp trong việc thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đến nay, đã đưa vào vận hành thương mại Dự án Nhà máy điện mặt trời Hậu Giang với công xuất 29MW; đồng thời, thực hiện gần 1.100 dự án điện mặt trời áp mái nhà. Hiện tại, một số dự án điện sinh khối đang được triển khai ở huyện Long Mỹ và TX. Long Mỹ.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang còn đầu tư các công trình cấp bách phòng chống sạt lở, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, hồ chứa đa mục tiêu; xây dựng cụm tuyến dân cư di dời khẩn cấp các hộ dân khu vực sạt lở nghiêm trọng, bố trí sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh, rạch. Trong đó, có 2 dự án theo nguồn vốn Chương trình ứng phó BĐKH, góp phần trong công tác ứng phó hạn, mặn cho địa phương như Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt và xây dựng hệ thống cống ngăn mặn Nam kênh Xà No.
PV: Để chủ động ứng phó với BĐKH, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung thực hiện các giải pháp hữu hiệu nào, thưa ông?
Ông Trương Cảnh Tuyên:
BĐKH đang tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của địa phương, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chịu tác động trực tiếp. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản, bố trí lịch thời vụ phù hợp thích ứng với BĐKH; tăng dần diện tích sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường.
Tỉnh Hậu Giang sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chọn tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chất lượng cao, có tính chống chịu hạn mặn, thích ứng với BĐKH; liên kết các hộ nông dân qua hình thức HTX để sản xuất hàng hóa lớn; quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động thích ứng với BĐKH; nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu; xây dựng hệ thống thủy lợi kết hợp giao thông nông thôn, đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn.
Tỉnh Hậu Giang cũng sẽ tổ chức, bố trí sắp xếp ổn định cuộc sống những hộ dân nằm trong khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở; đồng thời, mở rộng, nâng cấp và nối mạng cấp nước cho các xã thuộc khu vực đã có công trình cấp nước được xây dựng trong giai đoạn trước; xây dựng mới các hệ thống cấp nước tập trung quy mô lớn có công nghệ xử lý nước đạt quy chuẩn quốc gia... trên địa bàn tỉnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!