(TN&MT) - UBND tỉnh Hậu Giang đã chủ trương cho cơ quan chức năng tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất các biện pháp quản lý, bảo vệ chất lượng môi trường nước mặt kênh xáng Xà No.
Kênh xáng Xà No là huyết mạch của tỉnh Hậu Giang. |
Là huyết mạch chính của tình Hậu Giang, kênh xáng Xà No dài 34km, rộng 60m, sâu 2,5m - 9m, nối liền Sông Hậu đến sông Cái Lớn, nguồn nước mặt trên dòng kênh này không chỉ tưới tiêu thủy lợi mà còn phục vụ cư dân sinh hoạt và được khai thác xử lý cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục ngàn hộ thị dân tỉnh lỵ Hậu Giang.
Tuy nhiên, đơn vị khai thác nước đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Hậu Giang tăng cường quản lý chất lượng nước trên kênh xáng Xà No. “Nếu không có biện pháp quản lý cũng như sự quan tâm của các cấp, các ngành thì về lâu dài nguồn nước thô này sẽ không còn sử dụng được” - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, Bùi Trọng Lực, nói.
Quan trắc môi trường cho thấy chất lượng nước mặt kênh xáng Xà No có dấu hiệu ô nhiễm về hữu cơ và vi sinh. Năm 2014, trong số 8 điểm quan trắc phát hiện bị ô nhiễm nặng trên địa bàn thì hầu hết là các điểm quan trắc tại kênh xáng Xà No. Cụ thể, chỉ số chất lượng nước mặt trên kênh xáng Xà No tại các vị trí gần Nhà máy nước Vị Thanh, cách Xí nghiệp đường Vị Thanh 50m, gần chợ Một Ngàn,… đều đã bị ô nhiễm nặng, không phù hợp cho mục đích cấp nước sinh hoạt và bảo tồn động thực vật thủy sinh. Các chỉ tiêu định kỳ như: TSS (thông số chất rắn lơ lửng), N-N4+, chất hữu cơ, vi sinh, sắt tại các khu vực này qua các đợt quan trắc luôn ở mức cao và vượt qui chuẩn qui định.
Thực tế, tình trạng cá chết bất thường đã xảy ra trên kênh xáng Xà No, ngành chức năng đã bước đầu kết luận do nguồn nước bị thiếu oxy, có pH thấp, nhất là nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng của chất hữu cơ từ rơm, rạ.
Tình trạng xả rác trực tiếp xuống kênh xáng Xà No vẫn đang diễn ra phổ biến. |
Quan sát thông thường cũng đã có thể thấy nước thải từ các cụm công nghiệp tập trung, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nước thải từ sản xuất nông nghiệp, nước thải từ các khu, cụm dân cư, chợ, thị trấn, thị tứ, thành phố Vị Thanh… hiện đều chưa qua xử lý và đang xả trực tiếp xuống rạch và dồn ra kênh xáng Xà No. Tình trạng chất thải rắn, chất thải nguy hại trong sinh hoạt cư dân sở tại xả bừa bãi xuống kênh xáng Xà No cũng đang diễn ra rất phổ biến.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu ý thức bảo vệ môi trường và theo ý kiến của một số người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thì còn do họ không có điều kiện xử lý, nhiều nơi lại chưa có phương tiện công cộng đến thu gom. Trong khi đó, việc nghiên cứu, kiểm soát chặt chẽ, thực hiện các giải pháp đầu tư, các biện pháp xử lý ngăn chặn hành vi từ phía cơ quan chức năng quản lý thời gian qua chưa được quan tâm thực hiện đúng mức.
Để thực hiện nhiệm vụ đánh giá hiện trạng, đề xuất biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước mặt trên kênh xáng Xà No theo chủ trương của UBND tỉnh Hậu Giang, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hậu Giang – Lê Thị Kim Diệu, cho biết đang tiến hành lấy mẫu, điều tra xác định nguyên nhân đồng thời tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các quy định bảo vệ môi trường, chấm dứt hành vi xả thải trực tiếp ra kênh xáng Xà No.
Bài & ảnh: Phong Vân