Theo nhận định của các ngành chức năng, tình hình sạt lở đất bờ sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2018 sẽ diễn biến phức tạp hơn những năm trước. Trong những ngày đầu tháng 5/2018, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 2 vụ sạt lở đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Mới đây nhất là ngày 11/5/2018 đã xảy ra vụ sạt lở đất bờ sông Ba Láng thuộc ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, làm ảnh hưởng trực tiếp 4 hộ dân, 20m lộ giao thông bị đứt đoạn, ước thiệt hại ban đầu khoảng 150 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, Hồ Thanh Triết cho biết, ngoài đoạn bị sạt khoảng 20m, vết răn nứt còn lại khả năng ảnh hưởng đến 5 hộ dân gần đó nữa. Đây là một trong 9 điểm nằm ven sông Ba Láng có nguy cơ sạt lở đã được thống kê, cảnh báo từ trước. Qua khảo sát cuối năm 2017, chúng tôi đã cho cắm biển cảnh báo để các phương tiện lưu thông thủy không neo đậu ngay vị trí các điểm nguy cơ cao và giúp người dân lưu ý khi đi lại. Điểm sạt lở lần này là 1 trong 9 điểm nguy cơ đó. “ Khi xảy ra sự cố, một mặt địa phương bố trí lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả, mặt khác chúng tôi cho mở một tuyến đường và làm cầu tạm tránh đoạn đường sạt lở cho người dân đi lại…”- Ông Hồ Thanh Triết, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh thông tin.
Trước đó, vào ngày 4/5/2018 tại ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành cũng xảy ra một vụ sạt lở đất bờ sông Cái Côn nằm ven sông Cái Côn với chiều dài 28m và ăn sâu vào 7m; 5 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở này. Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tính từ tháng 7/2017 đến nay, khu vực này đã xảy ra 3 vụ sạt lở đất bờ sông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Theo UBND huyện Châu Thành, từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 10 điểm sạt lở, huyện đã kịp thời khắc phục được 7 điểm. Hàng năm, huyện Châu Thành đều bố trí nguồn vốn khắc phục sạt lở, ví dụ năm 2016 bố trí khoảng 2,5 tỉ đồng; năm 2017 khoảng 3 tỉ đồng. Hiện nay tại khu vực đầu vàm Cái Côn, nơi có nguy cơ sạt lở cao đang còn khoảng 130 hộ dân sinh sống. Để phòng ngừa sự cố sạt lở đất, trước đó tỉnh đã triển khai xây dựng kè tạm nhưng do ảnh hưởng của dòng chảy, nên kè cũng bị sạt lở. “Trước mắt, chúng tôi sẽ vận động người dân mở một lối đi phía sau, đồng thời tiếp tục vận động những hộ khó khăn, hộ có phần đất bị sạt lở ăn sâu sát mé nhà di dời đến nơi ở khác. Còn về lâu dài, huyện đã đề xuất tỉnh bố trí một khu tái định cư để di dời toàn bộ các hộ dân nằm trong khu vực bị sạt lở vào ở đảm bảo ổn định cuộc sống…”- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Tống Hoàng Khôi nói.
Trên cơ sở kiến nghị của địa phương, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Giang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các địa phương quy hoạch đầu tư xây dựng các khu tái định cư để bố trí nơi ở cho các hộ dân nằm trong khu vực bị sạt lở. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành xây dựng, điều chỉnh phương án phòng ngừa, ứng phó với các sự cố sạt lở, ban hành quy định về tải trọng, vận tốc, hướng đi của tàu tại các khu vực thường xảy ra sạt lở. Ngoài ra, các Sở, ngành chức năng cần xác định rõ nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở ở từng khu vực để đưa ra những giải pháp khắc phục đồng bộ.