Tài nguyên nước

Hậu Giang: Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Lê Hùng (thực hiện) 16/05/2024 - 13:50

(TN&MT) - Tài nguyên nước (TNN) đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự sống của con người và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên quý giá này, tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Để hiểu hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông La Trọng Kỳ, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang.

ong-ky.jpg
Ông La Trọng Kỳ, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang

PV: Xin ông cho biết công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước được thực hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua như thế nào?

Ông La Trọng Kỳ:

Hậu Giang có địa hình trũng thấp, hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300 km, mật độ sông rạch khá lớn 1,5 - 2 km/km2, tổng diện tích mặt nước khoảng 11.000 ha nên khả năng tích trữ nước lớn. Nguồn nước mặt phần lớn được cung cấp từ sông Hậu, nhưng trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự gia tăng sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Công dẫn đến nguồn nước vào tỉnh ngày càng suy giảm, nguy cơ thiếu nước cao; đồng thời, phần lớn diện tích khu vực trung tâm của tỉnh là khu vực giáp nước giữa triều biển Đông và triều biển Tây, lưu lượng dòng chảy kém, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Trước thực trạng trên, tỉnh Hậu Giang đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý TNN thông qua việc ban hành Kế hoạch Điều tra cơ bản TNN; tích hợp phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN và phòng chống tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh; phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ để tổ chức cắm mốc, hồ, ao, đầm không được san lấp; khoanh định khu vực có nguy cơ sạt lở; phê duyệt vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: Quan trắc môi trường nước mặt thường xuyên tại 5 trạm quan trắc tự động và 45 điểm cố định trên các sông, kênh chính; điều tra, đánh giá đặc trưng về TNN mặt; kiểm kê TNN, xác định dòng chảy tối thiểu trên các sông, kênh, rạch chính nhằm bảo vệ bền vững nguồn TNN trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Hậu Giang cũng ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án, công trình phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ TNN ở địa phương như: Đầu tư tuyến đê bao ngăn mặn từ triều biển Tây cho vùng Vị Thanh, Long Mỹ; nạo vét kênh, rạch để tăng cường khả năng tích trữ nước; xây dựng hồ tích trữ nước ngọt; khoan 13 giếng nước ngầm dự phòng ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; xây dựng hệ thống giám sát tự động, trực tuyến khai thác, sử dụng TNN trên địa bàn tỉnh; thí điểm công trình bổ cập nhân tạo nước dưới đất tại Nhà máy nước Vị Thanh.

a1-nuoc-hg.jpg
Tỉnh Hậu Giang đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước

PV: Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, tỉnh Hậu Giang triển khai các giải pháp nào để mang lại hiệu quả cao nhất?

Ông La Trọng Kỳ:

Mặc dù không giáp biển, vào mùa khô hàng năm, Hậu Giang chịu ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập từ triều biển Tây theo hướng Kiên Giang, Bạc Liêu vào tỉnh. Trước đây, hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, vào các năm khô hạn, một phần phía Tây Nam của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn. Cụ thể, vào mùa khô 2015 - 2016, 2019 - 2020 xâm nhập mặn vào sâu trong tỉnh gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại.

Tuy nhiên, hiện nay, với tuyến đê bao Vị Thanh - Long Mỹ và hệ thống thủy lợi Nam kênh Xà No đã khép kín kết hợp vận hành 122 cống ngăn mặn nên đã không còn bị ảnh hưởng xâm nhập mặn vào sâu trong tỉnh Hậu trong trong những năm vừa qua. Hiện tại, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn thường xuyên hàng năm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là khu vực ngoài đê bao ở một số địa phương như: Khu vực xã Lương Nghĩa huyện Long Mỹ, xã Hỏa Tiến (TP. Vị Thanh).

Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân, Hậu Giang đã tăng cường kêu gọi đầu tư, xã hội hóa lĩnh vực cấp nước; nâng cấp các công trình cấp nước hiện có, từng bước hoàn thiện mạng lưới đường ống cấp nước sạch; đồng thời, đầu tư hồ chứa nước ngọt, hệ thống đường ống dẫn nước thô từ vùng không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn đến các nhà máy nước hiện hữu có khả năng bị xâm nhập mặn; khoan 13 giếng dự phòng cho các nhà máy nước để pha loãng khi nguồn nước mặt bị xâm nhập mặn.

Đối với việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước ngọt, mặn, lợ, như đã nêu trên, hiện nay, kinh tế của tỉnh Hậu Giang chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp. Để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước ngọt, Hậu Giang đã định hướng cơ cấu kinh tế nông nghiệp dịch chuyển dần theo hướng từ lúa gạo - thủy sản - cây trái sang cây trái - thủy sản - lúa gạo. Riêng đối với khu vực nguồn nước bị nhiễm mặn, lợ, chủ yếu khu vực ngoài đê bao xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ; tỉnh Hậu Giang cũng đã hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân trồng lúa kết hợp nuôi tôm với diện tích hiện nay khoảng 156ha.

a3-nuochg.jpg
Với các giải pháp mà tỉnh Hậu Giang đã và đã triển khai đã góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân

PV: Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?

Ông La Trọng Kỳ:

Trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục triển khai phổ biến các quy định của Luật Tài nguyên nước đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm; đánh giá tổng thể và chi tiết diễn biến nguồn nước mặt, xu hướng thay đổi nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu; đầu tư các công trình quan trắc, giám sát dòng chảy và đánh giá, dự báo các thay đổi về nguồn nước; xây dựng mô hình tính toán lượng nước vào tỉnh và đi ra khỏi tỉnh; xác định được trữ lượng nước thừa và thiếu ở từng khu vực để điều hòa sử dụng nước một cách hợp lý, bền vững.

Đồng thời, tỉnh Hậu Giang tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai Nghị Quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, Hậu Giang lấy TNN là yếu tố cốt lõi, cụ thể như: Xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn; đầu tư trọng điểm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang; ban hành Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên, tỉnh Hậu Giang cũng mong muốn các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương thực hiện các dự án cấp bách phòng chống sạt lở, hạn, mặn; đồng thời, xây dựng hồ chứa nước ngọt tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2 và đầu tư hạ tầng quan trắc khí tượng thủy văn...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO