Hậu Giang: Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành dự án tổng thể về quản lý đất đai

08/03/2019 18:16

(TN&MT) - Đó là yêu cầu của ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với các Sở, ban, ngành, địa phương tại buổi Sơ kết triến khai thực hiện Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Hậu Giang mới đây. 

gi2
Việc xây dựng bản đồ địa chính chính quy sẽ giúp công tác quản lý đất đai đi vào nề nếp, hiệu quả

Đo đạc thành lập bản đồ địa chính 67/76 đơn vị

Ngày 11/12/2008, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 2738 phê duyệt  Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, với tổng mức đầu tư trên 325 tỉ đồng. Theo Sở TN&MT Hậu Giang, kể từ khi dự án được phê duyệt cho đến nay, tỉnh Hậu Giang đã tập trung triển khai thực hiện các phần việc và đạt được những kết quả khá quan trọng.

Cụ thể, tổng số xã, phường, thị trấn của tỉnh Hậu Giang đã triển khai xây dựng lưới địa chính, đo đạc thành lập bản đồ địa chính là 67/76 đơn vị. Bên cạnh đó, xây dựng lưới địa chính được 1.495 điểm tọa độ địa chính. Đồng thời, đo đạc thành lập mới bản đồ địa chính được 129.610,89 ha, đạt gần 90,8% so với diện tích đo đạc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; kê khai đăng ký được 243.332 thửa, đạt tỉ lệ 70,94%.

Với việc xây dựng bản đồ địa chính chính quy được đo đạc chính xác đã phục vụ tốt công tác kê khai đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nói riêng, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói chung từng bước đi vào nề nếp, đồng thời thay thế dữ liệu liên quan đến đất đai đã cũ, lạc hậu mà các huyện, thị xã, thành phố vẫn đang quản lý, sử dụng từ trước đến nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, tỉnh Hậu Giang cũng gặp một số khó khăn về kinh phí đầu tư, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thường xuyên thay đổi định mức kinh tế kỹ thuật lĩnh vực đo đạc, cấp giấy chứng nhận QSDĐ nên địa phương khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.

Trong đó, thời điểm tỉnh Hậu Giang lập Dự án là năm 2008 và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán để được Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện trong năm 2008, nhưng thời điểm đó, các quy định về định mức nhân công, trang thiết bị ... chưa được ban hành đầy đủ, đến khi các văn bản được ban hành đầy đủ thì địa phương mất nhiều thời gian để điều chỉnh Dự án cho phù hợp với quy định hiện hành.

gi1
Tỉ lệ cấp, đổi giấy Giấy chứng nhận QSDĐ của Dự án tổng thể về quản lý đất đai vẫn còn thấp

Tỉ lệ cấp, đổi giấy Giấy chứng nhận còn thấp

Tính đến thời điểm đầu năm 2019, tỉ lệ cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ thuộc Dự án trên địa bàn tỉnh còn thấp, mới chỉ đạt 37,44% (tương đương 53.653 thửa đất). Lý giải về vấn đề này, ông Trương Cảnh Tuyên cho biết, công tác phối hợp giữa Sở TN&MT, đơn vị thi công với địa phương không nhịp nhàng, chưa khơi gợi được sự chủ động hợp tác của người dân đến đăng ký, cấp, đổi Giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, Hội đồng xét duyệt ở số địa bàn cấp xã chưa chủ động xét duyệt hồ sơ, luân chuyển hồ sơ chưa khoa học. Việc phối hợp thực hiện cấp đổi 3 bên giữa người sử dụng đất - Văn phòng Đăng ký QSDĐ - Ngân hàng theo Nghị định số 43/ ngày 15/5/2014 của Chính phủ đối với các trường hợp Giấy chứng nhận của người dân đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng chưa được thực hiện nhịp nhàng.

Mặc dù, UBND tỉnh Hậu Giang đã chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương nâng cao công tác tuyên truyền vận động người dân đăng ký, cấp đổi Giấy chứng nhận, nhưng người dân vẫn chưa có sự hưởng ứng cao do hiện tại người dân không có nhu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận. Một số trường hợp người dân đi làm ăn xa, không về địa phương để được đăng ký cấp đổi Giấy chứng nhận miễn phí.

Để hoàn thành Dự án tổng thế vào năm 2020, ông Trương Cảnh Tuyên thông tin: Hiện, tỉnh Hậu Giang đang khẩn trương hoàn chỉnh Dự án điều chỉnh gửi cơ quan có thẩm quyền góp ý trước khi UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, nghiên cứu xem xét giao nhiệm vụ đăng ký, cấp đổi Giấy chứng nhận cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện; cắt giảm một số khối lượng công việc chưa cần thiết.

Đồng thời, rà soát lại các đơn vị thi công kém hiệu quả, chọn đơn vị mới đảm bảo thực hiện hoàn thành dự án theo mục tiêu đề ra. Ngoài ra, yêu cầu các ngành, cấp cấp tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt tầm quan trọng và ý nghĩa của Dự án đến cán bộ và người dân trên địa bàn để người dân chủ động liên hệ cấp đổi Giấy chứng nhận miễn phí trong thời gian còn thực hiện Dự án này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành dự án tổng thể về quản lý đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO