Còn đối với vùng có khả năng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn thì toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 12.000 - 16.000 ha lúa Đông Xuân, Hè Thu và chủ yếu diện tích này nằm ở huyện Long Mỹ, TX. Long Mỹ, TP. Vị Thanh và một phần huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp. Tổng diện tích lúa nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn toàn tỉnh Hậu Giang khoảng 50.000 ha.
Trước dự báo trên, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các địa phương phải chuẩn bị thật tốt kế hoạch phòng chống và có biện pháp khắc phục nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra. Đồng thời, phải chủ động ứng phó có hiệu quả bằng các giải pháp phi công trình và công trình, trên tinh thần là đảm bảo không bị bất ngờ trước mọi tình huống. Đặc biệt, phải thường xuyên đo nồng độ mặn và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết mà có giải pháp ứng phó vào từng thời điểm cho hợp lý.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019 có thể cao hơn năm 2018. Do vậy, để giảm thiểu thiệt hại cho người dân, hiện nay Chi cục Thủy lợi tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát chặt chẽ, mực nước trên các sông, tình hình xâm nhập mặn để kịp thời đưa ra các giải pháp phòng, tránh, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.