Hậu Giang: Chủ động ứng phó BĐKH hướng đến cuộc sống an toàn, bền vững
(TN&MT)- Các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động mạnh và gây nhiều thiệt hại cho người dân tỉnh Hậu Giang. Để góp phần giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo cuộc sống an toàn, bền vững cho người dân, tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó. Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang.
PV: Ông có thể cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của BĐKH đã và đang diễn ra như thế nào trên địa bàn tỉnh Hậu Giang?
Ông Trần Thanh Toàn:
Những hiện tượng cực đoan của BĐKH như sạt lở, dông lốc, hạn hán, xâm nhập mặn đang ngày càng gia tăng về mức độ và tần suất tại tỉnh Hậu Giang, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như đời sống, sản xuất của người dân. Đơn cử như năm 2023, tỉnh Hậu Giang ghi nhận tổng cộng 63 điểm sạt lở với chiều dài hơn 1,5km. Các vụ sạt lở đã gây hư hại nhiều đoạn đường giao thông nông thôn, làm mất vĩnh viễn trên 9.300 m2 đất và nhiều công trình, nhà cửa của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 18 vụ sạt lở với chiều dài gần 0,5km. Mặc dù số vụ sạt lở trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm hơn so với cùng kỳ năm 2023, nhưng thiệt hại lại cao hơn gần 650 triệu đồng.
Bên cạnh sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, các hiện tượng dông lốc, xâm nhập mặn, ngập úng do triều cường cũng đang xảy ra thường xuyên hàng năm trên địa bàn tỉnh và gây thiệt hại về nhà cửa, cây màu, vật kiến trúc của người dân. Trong mùa khô 2023 - 2024, nước mặn từ triều biển Đông và biển Tây xâm nhập vào địa bàn huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, TP. Vị Thanh… với nồng độ mặn đo được tại một số khu vực lên đến 13‰ khiến cho nhiều diện tích nông nghiệp bị thiếu nước, giảm năng xuất, một số khu vực xảy ra thiếu nước sinh hoạt cục bộ.
PV: Trước tình hình BĐKH ngày càng phức tạp, khó lường, tỉnh Hậu Giang đã triển khai công tác ứng phó, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Thanh Toàn:
Để chủ động ứng phó BĐKH, trong thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh đã huy động các nguồn lực thực hiện các dự án, công trình ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bằng việc xây dựng hệ thống đê kè, cống ngăn mặn tại những khu vực trọng yếu; đầu tư hồ lưu trữ nước ngọt; thường xuyên nạo vét kênh rạch tạo nguồn giữ nước phục vụ phát triển sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang cũng triển khai xây dựng một số cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp để bố trí nơi ở an toàn, ổn định cho người dân ở những khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở; thường xuyên gia cố các công trình nhà văn hóa, trường học dự phòng làm nơi tránh trú bão đảm bảo an toàn cho người dân; đồng thời quy hoạch các vùng chuyên canh lúa, rau màu, cây ăn trái tập trung quy mô lớn; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động liên tục để kịp thời thông tin đến người dân về diễn biến hạn, mặn, độ mặn giúp bà con chủ động nuôi trồng cây con phù hợp; hỗ trợ người dân vốn, kỹ thuật, cây con giống để chuyển đổi mô hình sản xuất vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa thích ứng với BĐKH.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng chủ động cắt cử lực lượng, phương tiện kịp thời triển khai công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do sạt lở, dông lốc gây ra; đồng thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu giúp người dân ở các vùng bị ảnh hưởng thiên tai đảm bảo đời sống sinh hoạt; hỗ trợ tài chính, khôi phục sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân bị thiệt hại.
PV: Để chủ động ứng phó BĐKH góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới tỉnh Hậu Giang sẽ ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gì?
Ông Trần Thanh Toàn:
Tỉnh Hậu Giang xác định công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của các ngành, các cấp, địa phương. Do đó, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, tỉnh Hậu Giang đang tập trung ưu tiên các nguồn lực để tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống đê điều, cống ngăm mặn, nạo vét kênh rạch nhằm đảm bảo việc tưới tiêu và thoát nước bảo vệ an toàn cho các vùng sản xuất nông nghiệp và khu, tuyến dân cư dân cư trước những tác động của xâm nhập mặn, triều cường.
Đồng thời, tỉnh Hậu Giang cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở dọc theo một số tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành và TP. Ngã Bảy; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống trạm quan trắc tự động liên tục để giám sát, dự báo và cảnh báo kịp thời tình hình xâm nhập mặn, độ mặn đến người dân; ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác chỉ đạo, dự báo, cảnh báo phòng chống thiên tai; đồng thời thường xuyên củng cố lực lượng, tổ chức diễn tập nâng cao khả năng phản ứng của các cấp chính quyền, người dân trước các hiện tượng thiên tai xảy ra.
Song song với đó, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân, đặc biệt là những tháng mùa khô hàng năm, tỉnh Hậu Giang đang tập trung vận hành hiệu quả các công trình hồ chứa nước ngọt, các trạm bơm nước; hỗ trợ người dân đưa các giống cây trồng, vật nuôi chịu hạn, chịu mặn vào sản xuất, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và canh tác bền vững để nâng cao thu nhập cho người dân trước tác động của BĐKH.
Tỉnh Hậu Giang cũng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người dân về những kiến thức cơ bản và các biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; kịp thời thông báo tình hình về khí tượng, thủy văn đến người dân để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường, đặc biệt là tham gia trồng cây, dùng tre, dừa, cừ tràm làm bờ kè sinh thái gia cố bờ sông, kênh rạch để hạn chế sạt lở; hỗ trơ, khuyến khích người dân tận dụng nguồn nước mặn để phát triển sản xuất, tạo sinh kế góp phần giảm nghèo bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!