Theo Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, từ nguồn xã hội hóa, Chi cục Thủy lợi đã triển khai thí điểm 3 mô hình kè sinh thái, chống sạt lở trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và TX. Ngã Bảy với tổng chiều dài khoảng 380m. Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình trồng tràm, bần làm bờ kè sinh thái đã phát huy hiệu quả khi hạn chế được sạt lở đất bờ sông, nâng tỉ lệ che phủ rừng. Không chỉ vậy, mô hình kè sinh thái, chống sạt lở đất bờ sông là mô hình rất phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Qua buổi khảo sát mô hình thí điểm trồng tràm, bần để tạo bờ kè sinh thái, chống sạt lở tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị: “Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cần phối hợp với Sở GTVT tỉnh lồng ghép, đưa mô hình kè sinh thái vào chiến dịch giao thông nông thôn, thủy lợi và trồng cây xanh hàng năm. Đồng thời, đề nghị Sở NN&PTNT đề xuất thành lập dự án kêu gọi đầu tư. Trong đó, Sở NN&PTNT phải chọn nơi làm điểm và mạnh dạn đề xuất mức đầu tư trong cơ cấu nguồn vốn để kêu gọi đầu tư trong thời gian tới”.
Ông Trương Cảnh Tuyên cho rằng, qua khảo sát 3 mô hình kè sinh thái, chống sạt lở đã được triển khai thực hiện thí điểm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho thấy, đối với vùng Phụng Hiệp, Long Mỹ, TP. Vị Thanh thì việc triển khai kè sinh thái sẽ phát huy hiệu quả, đáp ứng đúng mục tiêu đề ra. Còn đối với một số tuyến sông lớn trên địa bàn TX. Ngã Bảy hay huyện Châu Thành thì cần nghiên cứu những giải pháp cho phù hợp và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc vận động xã hội hóa thực hiện trong dân sẽ dựa trên cơ sở Nhà nước hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ một phần. Trong quá trình thực hiện, Chi cục Thủy lợi cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương chọn tuyến kênh triển khai thực hiện cho phù hợp trong thời gian tới.