Từ đảo “vô thủy”
Bạch Long Vĩ là hòn đảo tiền tiêu nằm giữa vịnh Bắc Bộ, cách đất liền hơn 130km. Không chỉ có quân dân, huyện đảo Bạch Long Vĩ còn là điểm đến tránh trú, tiếp nước, nhiên liệu, lương thực, hậu cần nghề cá cho hàng nghìn ngư dân.
Người dân trên đảo kể rằng, cho đến tận đầu thế kỷ 20, đảo Bạch Long Vĩ vẫn chưa có dân cư sinh sống vì người ta không tìm ra nguồn nước ngọt và đảo này còn được gọi là đảo "vô thủy" (không có nước). Mãi đến năm 1920 mới bắt đầu có người ra định cư ở đây sau khi người ta phát hiện nguồn nước ngọt ở phía nam đảo. Từ đó đến nay, nước ngọt vẫn là “vàng trắng” ở Bạch Long Vĩ.
Báo cáo khảo sát của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã chỉ ra rằng, điều kiện tự nhiên của huyện đảo Bạch Long Vĩ không thuận lợi cho việc hình thành nước ngọt trên đảo. Nơi đây, nguồn nước ngầm rất nghèo do đất đá chứa nước kém. Lượng mưa trên đảo không nhiều, thấp hơn trên đất liền, khoảng 1.030mm/năm. Trên đảo không có sông suối có dòng chảy thường xuyên, duy nhất chỉ có 1 hồ (quân đội xây) và nhiều ao nhỏ (do bộ đội đào). Song diện tích các ao hồ này đều rất nhỏ. Toàn đảo cũng chỉ có 6 suối nhỏ với chiều dài nhỏ hơn 0,2 km. Điều đáng nói là các suối này đều chảy từ sườn núi dốc xuống chân núi nên không giữ được nước.
Chị Nguyễn Thị Mai (người dân trên đảo Bạch Long Vĩ) tâm sự: “Năm 2000, lúc mới đặt chân lên đảo Bạch Long Vĩ, chúng tôi không bao giờ mơ ước được sử dụng nước sạch thuận tiện như ở đất liền. Bởi khi đó, hòn đảo này chỉ có xương rồng và cát trắng. Điện thì chạy máy phát, nước phải chờ mưa xuống mới có để dùng. Chúng tôi phải hớt từng bát nước ngọt để chia nhau. Khi đó, tàu bè phải 1 tháng mới có 1 chuyến tàu ra đảo, âu cảng chưa có nên việc vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra đảo cũng rất khó khăn”.
Cũng theo lời chị Mai, năm 2017, bà con trên đảo đã phải trải qua đợt hạn hán lịch sử, 10 tháng không có mưa, phải đợi nước trong đất liền chở ra. Thời điểm ấy, nếu ai không kiên trì thì khó có thể gắn bó được với huyện đảo đến bây giờ.
…nước ngọt về trên đảo
Trước thực tế trên, năm 2017 dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng - đảo Bạch Long Vỹ” đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia (Bộ TN&MT) triển khai thực hiện. Đơn vị trực tiếp triển khai thi công là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc. Mục tiêu của dự án là tìm được nguồn nước ngọt để người dân yên tâm bám đảo, bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nhận nhiệm vụ, tháng 7/2017, anh Nguyễn Văn Tuyến cùng 7 cán bộ Đoàn Tài nguyên nước Đông Bắc (Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia) ra đảo khảo sát. “Các thành viên hứng khởi vì sắp có thêm trải nghiệm mới. Nhưng khi lên tàu, được hơn một tiếng tất cả nằm vật ra vì say sóng”, anh Tuyến kể.
Bỏ qua những khó khăn ban đầu, khi đặt chân lên đảo, anh Tuyến kể: “Cảm xúc của chúng tôi được dẫn dắt như thể đã có một sợi dây gắn bó bền chặt với bà con nơi đây từ rất lâu. Thật xót xa khi tận mắt chứng kiến giữa muôn trùng biển khơi mà bà con nơi đây quanh năm sống trong tình trạng thiếu nước ngọt. Bà con phải chắt chiu, dành dụm từng giọt nước, phải tận dụng nước vo gạo, rửa rau để rửa bát, rồi tưới cây. Nước sinh hoạt tắm rửa được người dân để lại giặt quần áo và dội nhà vệ sinh. Chứng kiến tình cảnh đó, đã thôi thúc những cán bộ của Liên đoàn chúng tôi bằng mọi giá, mọi cách phải tìm được nguồn nước ngọt cho bà con nơi đây”.
Đặt chân lên đảo, 8 người chia nhau khảo sát gần 3 km2 dọc các khe suối, điểm có đứt gãy kiến tạo. Sau hơn một tuần, biển động. Hàng trăm tàu cá từ các nơi về đảo tránh trú. Nước sạch, rau xanh, lương thực nhanh chóng cạn kiệt. Mọi người trong đoàn lo lắng không biết sẽ sống thế nào những ngày tiếp theo.
“Ngư dân đi biển thường mang theo đồ dự trữ, chúng tôi không có nên phải ăn uống tằn tiện. Biết được khó khăn của đoàn, người dân, chính quyền, bộ đội đã nhiệt tình hỗ trợ, cùng nhau vượt qua một tuần không được tiếp tế”, anh Tuyến nhớ lại. Sau gần một tháng, bản đồ khảo sát tỷ lệ 1:25.000 được lập, hai điểm khoan khả năng có nước.
Đoàn khảo sát trở về đất liền hơn một tháng thì lại nhận lệnh quay lại đảo khoan điều tra lấy mẫu. Hơn 10 tấn thiết bị gồm máy khoan, máy nén, ống thép được chuyển từ Hải Dương đến cảng Bạch Đằng, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, rồi đi tàu hơn 6 tiếng ra Bạch Long Vĩ..
Trong gần 4 tháng, đoàn khảo sát khoan xong hai lỗ, phát hiện ở độ sâu 80 m có mạch nước với dung lượng khoảng 75 m3 mỗi ngày. Kết quả được bàn giao để UBND huyện Bạch Long Vĩ lắp đặt máy bơm, phân phối nước.
Hoàn thành nhiệm vụ, nhưng anh Nguyễn Văn Tuyến vẫn trăn trở. Nếu để chính quyền Bạch Long Vĩ khai thác nước như trên đất liền, nguồn nước ngầm có nguy cơ nhiễm mặn, bao công sức sẽ đổ xuống biển.
Mối lo này đã được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe và một nhiệm vụ mới ngoài chuyên môn được giao cho Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc – trở lại Bạch Long Vĩ giúp chính quyền xây dựng hệ thống khai thác nước hợp lý.
Cuối năm 2017, đoàn công tác của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc trở lại Bạch Long Vĩ lần thứ ba. Đường ống dài hơn 100 m từ điểm khoan đến UBND huyện đảo được xây dựng, từ đây nước chạy về từng hộ dân. Đoàn cũng viết một cuốn sách hướng dẫn, tập huấn cho đơn vị phụ trách cách khai thác nước hợp lý, tránh nhiễm mặn.
Giờ đây nước ngọt đã đáp ứng phần nào đáp ứng nhu cầu của chính quyền, người dân và ngư dân tránh trú bão trên đảo. Cùng với việc vận hành hồ chứa trên đảo đã tạo điều kiện để hoạt động du lịch nơi đây khởi sắc, để Bạch Long Vĩ phát triển tươi thắm như ngày hôm nay.