Khơi nguồn lực, vươn lên thoát nghèo
Là huyện miền núi, biên giới ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu sở hữu lợi thế về cảnh quan tự nhiên và sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Người dân vùng cao Bình Liêu vốn sinh ra và lớn lên trong gian khó nên đồng bào dân tộc nơi đây có tinh thần cần cù lao động, kiên cường chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để sinh tồn và phát triển.
Những ngày đầu tháng 11 này, trên cung đường tuần tra biên giới, chúng tôi được “mục sở thị” màu vàng óng của những cánh đồng lúa chín đang độ thu hoạch, xen lẫn bên những sườn đồi là những cánh rừng hồi, quế xanh mướt cùng những đồi hoa sở đang chuẩn bị bung sắc trắng tinh khôi đón mùa Xuân về.
Bản Sông Moóc, xã Đồng Văn được ví như một Sapa thu nhỏ của huyện Bình Liêu. Nằm ở lưng chừng núi, bản Sông Moóc được bao phủ bởi những dãy núi cao, mây phủ cùng những cánh đồng ruộng bậc thang lúa chín vàng óng, thấp thoáng những ngôi nhà cổ của đồng bào dân tộc Dao.
Trong căn nhà mới khang trang vừa được hoàn thiện tại bản Sông Moóc, anh Tằng Dảu Phồng hồ hởi khoe, trước đây cả nhà 5 người sống trong căn nhà trình tường đất rộng mấy chục mét vuông của ông bà để lại bị hư hỏng, dột nát, nay xây được nhà mới, yên tâm làm ăn sinh sống.
“Nhờ mạnh dạn đầu tư trồng quế, hồi và nuôi đàn dê gần 20 con cho thu nhập mỗi năm khoảng hơn 100 triệu, đã giúp cho gia đình anh Phồng từ một hộ khó khăn vươn lên thành hộ khá giả trong bản, có được thành quả như hôm nay, gia đình tôi phải cảm ơn cán bộ xã đã luôn quan tâm hướng dẫn kỹ thuật, cũng như khuyến khích trồng rừng, chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, anh Phồng bộc bạch.
Còn tại bản Phai Lầu, xã Đồng Văn, từ một hộ có đời sống kinh tế khó khăn, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, cũng như họ hàng trong bản, gia đình ông Dường Chống Thìn đã mạnh dạn đầu tư trồng gần 10 ha quế, hồi. Đến nay, diện tích rừng quế hồi cho thu nhập hơn 200 triệu/năm, đã giúp cho gia đình ông Thìn xây nhà mới, mua xe máy, vươn lên trở thành hộ khá giả trong bản.
Phát huy lợi thế từ việc trồng và khai thác cây quế, hồi, cũng là cây mang thế mạnh của huyện Bình Liêu từ bao đời nay, người dân xã Đồng Văn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, giá trị của cây quế, hồi, sở, nhân sâm tím, dong riềng.
Chia sẻ với PV, ông Mạ Dì Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết, với hơn 6.300 ha đất lâm nghiệp, chủ yếu được bà con DTTS trồng quế, hồi, sở, kết hợp cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, tạo ra việc là và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã hiện chỉ chiếm 1,48% dân số.
“Kết quả thoát nghèo của Đồng Văn trước tiên đến từ sự đổi thay của chính người dân khi biết phá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, biết xấu hổ khi mình nghèo, bên cạnh đó là sự tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, sự đồng lòng từ cán bộ đến người dân, sự lan tỏa của các điển hình tiên tiến”, ông Sơn cho hay.
Đến Đồng Văn hôm nay, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất của những cá nhân điển hình đã tạo ra sự lan tỏa, tạo cho người dân nhận thấy cơ hội làm ăn, khuyến khích làm giàu. Những cái tên như Tằng Vằn Dào, ở thôn Phạt Chỉ, Chìu Văn Phúc ở thôn Phai Lầu, Dương Cắm Hếnh ở thôn Khe Tiền đã trở thành cảm hứng sáng tạo, làm giàu của người dân, là điểm tựa của mỗi thôn, bản của xã Đồng Văn hôm nay.
Tạo sinh kế gắn với bảo vệ môi trường
Bình Liêu vốn là một huyện không có lợi thế về giao thông đi lại, đất đai khô cằn không thuận lợi cho nông nghiệp phát triển. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao, chia cắt mạnh bởi hệ thống suối khe, nên nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt là bài toán khó của địa phương.
Khó khăn là vậy, nhưng cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, với những bước đi đột phá, có tính táo bạo, trong đó nổi bật nhất là mở mang giao thông, hạ tầng điện lưới tới các thôn, bản vùng cao, đã giúp cho diện mạo nông thôn của huyện Bình Liêu có cuộc “lột xác” ngoạn mục.
Chia sẻ với PV, ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong nhiều năm qua là làm sao nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số, đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng và cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.
“Thời gian qua, huyện đã xây dựng điểm nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đa dạng hóa sinh kế cho người dân ở địa phương, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã mở được 8 lớp nghề cho 160 lao động nông thôn, kết nối cho gần 700 lao động tiếp cận cơ hội làm việc tại ngành than và nhiều doanh nghiệp khác. Đồng thời, kết nối cho 819 hộ dân vay hơn 57 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, số hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện Bình Liêu hiện nay còn 116 hộ, chiếm 1,51%”, ông Ngò thông tin.
Cùng với việc khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, huyện Bình Liêu còn chú trọng hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho người dân, giải quyết một tiêu chí quan trọng về giảm nghèo trên địa bàn. Theo rà soát ban đầu, toàn huyện Bình Liêu có 223 công trình nhà ở cần xây, sửa lại, trong đó 40 nhà do gia đình tự xây, 183 nhà cần hỗ trợ, mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/nhà.
Bà Phùn Sám Múi, 78 tuổi, ở thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại được hỗ trợ xây nhà năm nay, phấn khởi khoe, nhà của gia đình tôi xây gần xong rồi, có nhà vệ sinh ngay trong nhà, rất tiện cho việc sinh hoạt hàng ngày. Nhờ chính quyền hỗ trợ 50 triệu đồng, các hộ trong thôn giúp ngày công, gia đình tôi mới xây được nhà mới, chứ tự chúng tôi thì không làm được đâu.
Gia đình bà Múi nằm trong số gần 160 nhà đã được khởi công thời gian qua, đến nay 130 công trình nhà ở đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Được sống và sinh hoạt trong những ngôi nhà mới khang trang, bền vững là động lực quan trọng để thúc đẩy người dân vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Cùng với mục tiêu tạo việc làm và thu nhập cho người dân, huyện Bình Liêu đang phát động đợt cao điểm tập trung hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường, an toàn thực phẩm và chất lượng môi trường sống trong những tháng cuối năm 2022. Với mục tiêu tập trung vào việc phân loại, thu gom rác thải tại nhà, trên đồng ruộng, trồng cây xanh, đảm bảo chất lượng nguồn nước, ăn ở hợp vệ sinh.
Ông Vi Ngọc Nhất, Phó Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Bình Liêu cho biết, để đạt được mục tiêu về môi trường, huyện Bình Liêu đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó khối mặt trận tổ quốc và các đoàn thể phát huy vai trò huy động sức mạnh toàn dân, qua đó ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, đã có gần 2.000 người dân tham gia quét dọn, trồng hoa, cây cảnh, vẽ tranh tường làm đẹp đường làng thôn, bản ở vùng nông thôn mới.
Bà Hoàng Thị Lý, thôn Đồng Thắng, xã Đồng Văn chia sẻ, việc thu gom, phân loại rác do đoàn thể, hội phụ nữ xã triển khai, đối với rác sinh hoạt chúng tôi cho vào thùng rác ở đầu thôn, còn các loại vỏ chai nhựa, lon bia thì gom lại rồi đem bỏ vào thùng đựng ngay tại cổng ủy ban xã để bán, lấy tiền giúp đỡ những trẻ em, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Màu xanh của những cánh rừng quế, hồi xen cạnh những cánh đồng lúa chín vàng óng hiện lên trong ánh mắt hạnh phúc của người dân nơi đây, báo hiệu một vụ mùa bội thu, đem lại cuộc sống ấm no đối với bà con ở vùng đất biên giới Bình Liêu.
Qua rà soát từ đầu năm nay, toàn huyện Bình Liêu có trên 1.226 hộ dân cần xây dựng lại, xây dựng mới nhà vệ sinh. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, huyện đã hỗ trợ từ 4 - 6 triệu đồng/công trình cho các hộ dân. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các hội, đoàn thể, đặc biệt là lực lượng thanh niên trong việc vận chuyển nguyên vật liệu và giúp về ngày công. Tính từ đầu năm đến nay, đã có gần 900 nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn đã được xây dựng, trong đó gần 600 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.