Hành động quyết liệt để hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững

Khương Trung - Tuyết Chinh| 30/12/2020 14:16

(TN&MT) - Trong 5 năm qua (2016 - 2020), toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung tháo gỡ các rào cản, giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực. Những năm tiếp theo, ngành sẽ tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước.

Hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng

Năm 2020, khép lại 5 năm với đầy thách thức, nhưng toàn ngành TN&MT đã hóa giải các thách thức, vượt qua các khó khăn. Qua đó, ngành đạt được nhiều thành tựu mang dấu ấn của sự đổi mới, tạo những chuyển biến thực chất từ thực tiễn, đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời, chuẩn bị nền tảng để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Toàn ngành đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra trong kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020.

Trước hết là việc lắng nghe đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; giải quyết đúng đắn vấn đề đặt ra từ thực tiễn, yêu cầu phát triển đất nước với 1 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 2 Kết luận của Bộ Chính trị, 2 Luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội, 29 Nghị định, 11 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 217 Thông tư, thông tư liên tịch. Cùng với đó là hàng nghìn Quyết định quy phạm pháp Luật, các quy hoạch, chiến lược để tạo thành hành lang pháp lý đồng bộ phục vụ công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến tạo cho phát triển.

Bộ TN&MT Khai trương Trung tâm điều hành thông minh

Toàn ngành đã thiết lập các nền tảng dữ liệu lớn để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy cải cách hành chính. Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tiếp tục được đơn giản hóa, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai trong chỉ số năng lực canh tranh (PCI), nâng cao mức độ hài lòng về dịch công của ngành.

Ngành TN&MT đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử trên các nền tảng số hóa và dữ liệu lớn. Đã đưa vào sử dụng 63 trạm định vị vệ tinh (Cors) để cung cấp các dịch vụ định vị chính xác phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội. Thực hiện đơn giản hóa 80,1% thủ tục hành chính, bãi bỏ, thay thế 62,6% điều kiện đầu tư kinh doanh, rà soát cắt giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 1/3 - 1/2 thời gian thực hiện thủ tục khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất, thủ tục về môi trường, qua đó, góp phần tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, thu ngân sách từ tài nguyên và môi trường trong 11 tháng năm 2020 đạt 21,30% nguồn thu nội địa. Thu từ đất trong 5 năm qua đạt trên 830 nghìn tỷ đồng; phát huy được lợi thế của biển và các vùng ven biển trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tài nguyên nước từng bước được quản lý bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, huy động và kết hợp hiệu quả giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, lực lượng cảnh sát môi trường, không còn để xảy ra chồng chéo, trùng lặp về đối tượng thanh tra. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành đã kiến nghị thu hồi gần 22,55 nghìn ha đất, truy thu hơn 444 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính 344 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ thống nhất, đột phá để đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành trụ cột của quá trình phát triển bền vững. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Đổi mới tư duy quản lý, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, giám sát nguồn thải lớn để đảm bảo an toàn cho môi trường, đóng góp cho tăng trưởng; các chỉ số thành phần môi trường có nhiều chuyển biến. Thiết lập nền tảng cho quản lý môi trường hiện đại thông qua quan trắc, giám sát bằng các công nghệ tự động.

Một trong những kết quả nổi bật trong năm qua của ngành TN&MT là việc dự báo sớm các xu thế thời tiết để các địa phương chủ động phương án sản xuất, bố trí mùa vụ giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống, giảm nhẹ bão, lũ, thiên tai, vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ đập, đê điều. Huy động được sự chung tay của hệ thống chính trị trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ động trong ứng phó với BĐKH. Ảnh: TH

Các kết quả trên đã có những đóng góp quan trọng cho việc hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng. Trong đó, đóng góp cho ngân sách trực tiếp thông qua các nguồn thu từ đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước; gián tiếp thông qua việc: kiểm soát tốt các vấn đề môi trường đối với các dự án lớn, đơn giản hoá thủ tục hành chính, sớm tạo mặt bằng cho triển khai các dự án; giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế thông qua việc làm tốt công tác dự báo khí tượng thủy văn; nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường nói chung và đặc biệt là hạn chế rác thải nhựa.

Hiện thực hóa khát vọng phát triển

Năm 2021, bên cạnh những thuận lợi, thế và lực của ta đã lớn mạnh; kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng lên; tình hình chính trị - xã hội ổn định, cùng với những nền tảng, sức bật từ những thành tựu đổi mới của toàn ngành trong những năm qua, chúng ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Công nghiệp hóa, đô thị hóa là xu thế tất yếu dẫn đến sự chuyển dịch về đất đai, gia tăng sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên biển,...đòi hỏi phải có đồng bộ các chính sách, chiến lược, quy hoạch.

Áp lực lên môi trường sinh thái chưa giảm trong thời gian ngắn; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến nhanh; các tác động dài hạn đã được dự báo, nhận diện, tuy nhiên những tác động ngắn hạn là khó lường, khó dự báo. Tình trạng thiếu nước, hạn hán, thiên tai sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển.

Trong bối cảnh đó, ngành TN&MT xác định những mục tiêu cụ thể trong năm 2021 và những năm tiếp theo trên cơ sở phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển đất nước trong năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Về quản lý tài nguyên, tiếp tục điều tra, đánh giá tiềm năng, giá trị của các nguồn tài nguyên quan trọng. Bảo đảm 85% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000; 80% diện tích vùng biển và hải đảo được bay đo từ trọng lực tỷ lệ 1:250.000; 30% diện tích được điều tra, đánh giá lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1/100.000. Bảo đảm 80% hồ chứa lớn được kiểm soát, giám sát duy trì dòng chảy tối thiểu hạ du hồ chứa; 70% lưu vực sông lớn, quan trọng có hệ thống quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến. Nguồn thu từ tài nguyên, môi trường chiếm 20% nguồn thu ngân sách nội địa hàng năm. Hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên tiếp tục được nâng cao so với giai đoạn 2016-2020.

Bộ TN&MT triển khai nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo

Bộ TN&MT đặt mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 100%; 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp tái chế, đốt rác phát điện thay cho chôn lấp trực tiếp đạt 30% so với lượng chất thải được thu gom; 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, xử lý; 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và làng nghề phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý… Tỷ lệ được sử dụng nước sạch đến năm cuối kỳ của dân cư thành thị đạt 95%; Tỷ lệ được sử dụng nước hợp vệ sinh đến năm cuối kỳ của dân cư nông thôn đạt 90%; bảo đảm độ che phủ rừng được duy trì ở mức 42%...

Đối với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành và thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Giảm 7,3% phát thải khí nhà kính so với kịch bản thông thường (BAU).

Để hiện thực hóa các mục tiêu, Bộ TN&MT đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới. Trước hết là xây dựng đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch; thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng số, dữ liệu số, thông tin phục vụ quản lý, điều hành thông minh; đổi mới nghiên cứu khoa học, hợp tác hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chú trọng nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Tập trung thực hiện các giải pháp để nguồn lực tài nguyên được phân bổ và sử dụng hiệu quả cho trước mắt và lâu dài. Tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, hành động bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, đổi mới công tác dự báo, đa dạng hóa sản phẩm khí tượng thủy văn phục vụ phát triển KT-XH, phòng chống thiên tai; tập trung nghiên cứu các giải pháp tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh các hoạt động đo đạc, bản đồ, phân giới cắm mốc lãnh thổ, quản lý không gian lãnh thổ bằng công nghệ viễn thám.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành động quyết liệt để hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO