(TN&MT) - Hơn 30 năm nay, nhiều gia đình sống tại tổ 3, tổ 4, tổ 5 và tổ 6 phường Thắng Lợi (TP. Pleiku, Gia Lai) phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm dầu. Họ rất lo lắng cho cuộc sống và sức khỏe của gia đình.
Mấy chục năm nay, hàng trăm hộ dân phường Thắng Lợi phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm |
Gia đình ông Nguyễn Hoàng Cậy về sinh sống ở tổ 4, phường Thắng Lợi được gần hơn 30 năm nay. Ông cho biết, vào năm 1990, ông đào cái giếng đầu tiên để sinh hoạt thì phát hiện nước bị nhiễm dầu. Đến năm 2004, do không chịu đựng được cảnh nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng nề, ông tiếp tục đào cái giếng thứ 2 nhưng tình hình vẫn vậy. Không đủ vốn để chạy theo việc đào giếng, ông Cậy buộc phải làm hệ thống bể lọc bằng cát, than và sỏi để lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên nước vẫn còn hăng hắc mùi dầu và bị nhiễm phèn.
Tại bể lọc, đập vào mắt chúng tôi là màu nước đỏ ngầu, mùi dầu xộc ngay vào mũi rất khó chịu, váng dầu loang trên mặt nước. Theo ông Cậy, mỗi tháng gia đình đều phải thay nguyên liệu lọc một lần, nhiều khi bận quá để muộn vài ngày là nước lại bốc mùi dầu hăng hắc rất khó chịu. “Sáng dậy, khi ánh mặt trời chiếu vào thì mặt nước sẽ óng ánh váng dầu. Biết rằng sẽ ảnh hưởng cho sức khỏe song ở đây rất nhiều nhà buộc phải sử dụng nước như thế này, có nhiều hộ đã dùng đến 2 thế hệ vì không còn nguồn nước nào khác”, ông Cậy nói.
Hộ dân Vũ Thị Thơ đã 28 năm sử dụng nguồn nước ô nhiễm |
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Thành cho biết năm 1984, gia đình đào cái giếng thì phát hiện ngay nước bị nhiễm dầu. “Các cụ cao niên kể rằng khu vực này trước đây là sân bay dã chiến. Kho xăng, dầu phục vụ cho các loại máy bay đều đặt ở đây, thậm chí mọi loại dầu bẩn đều đổ xuống nơi này và ngấm vào mạch nước ngầm”, ông Thành nói. Để hiểu rõ nguyên nhân, người dân ở đây đã đem mẫu nước gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên (Đắk Lắk) để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy nguồn nước bị nhiễm dầu, nồng độ sắt quá lớn. Cán bộ Viện khuyến cáo rằng nguồn nước này rất độc hại, không được dùng để ăn uống. Dù có qua bể lọc thì cũng chỉ khử được khoảng 60% chất độc hại trong nước.
Qua tìm hiểu được biết, khu vực này, hễ đào giếng đến khoảng 17m là gặp nước nhiễm dầu. Thậm chí, gần đây nhiều người bỏ tiền khoan giếng đến cả 100m, có hộ thậm chí khoan hai, ba cái nhưng cũng không thoát khỏi tình trạng này.
Anh Nguyễn Đức Long kể, nhà anh cũng đã đào giếng nhưng không sử dụng được vì hôi quá. Anh đã bỏ ra 40 triệu đồng khoan giếng sâu tới 100 mét nhưng nước vẫn đỏ ngầu, mùi dầu và váng dầu bám đầy quanh bể, không sử dụng được. Thế là anh đành phải đầu tư thêm 30 triệu đồng nữa để xây bể lọc nước.
Ông Nguyễn Khắc Hùng-Bí thư chi bộ tổ 4 cho biết, 150 hộ dân ở đây hiện đang phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm dầu, họ rất lo lắng cho sức khỏe nhưng chẳng biết làm sao vì không có nguồn nước nào khác. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên thông qua các cuộc họp, những lần tiếp xúc cử tri nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả”, ông bí thư nói.
Còn bà Nguyễn Thu Hương-Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi xác nhận rằng địa bàn có nhiều khu vực bị nhiễm dầu nước giếng, nhưng nặng nhất là các tổ 3, 4, 6. Chính quyền cũng đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp nhưng đến giờ người dân vẫn chưa thoát khỏi cảnh này.
Bà Trần Thị Tuyết Nhung-phụ trách Phòng đầu tư Công ty cổ phần cấp nước Gia Lai cho biết, việc này đã được các cấp chỉ đạo cho công ty nghiên cứu tìm giải pháp song vấn đề nằm ở kinh phí để mở rộng mạng lưới cấp nước. Hiện tại, do điều kiện còn hạn chế, cả TP. Pleiku cũng chỉ có khoảng 35%/248.000 dân ở 10/23 xã, phường được sử dụng nước sạch của công ty. Theo nghị quyết đại hội cổ đông, từ đây đến năm 2020, 100% xã, phường của TP. Pleiku được sử dụng nước sạch của công ty, đơn vị đã thành lập dự án mạng lưới cung cấp 39.500m3 nước/ngày đêm (vào năm 2020) và 55.000m3 nước/ngày đêm (vào năm 2030) với tổng kinh phí 54 tỷ đồng, thời gian dự kiến từ tháng 6-2017 đến hết quý III 2019. “Hiện dự án đang được cơ quan chức năng thẩm định, khi được thông qua, công ty sẽ nghiên cứu ưu tiên kéo mạng đến khu vực phường Thắng Lợi, nơi những người dân đang hàng ngày sử dụng nguồn nước ô nhiễm trước tiên”, bà Nhung nói.
Bài & ảnh: Ngọc Linh