Hàng băng bằng cây keo tai tượng ở mỏ đá Phúc Ứng đã ngăn và giảm tối đa lượng bụi phát tán trong quá trình sản xuất, đảm bảo môi trường trong và ngoài khuôn viên công ty. Ảnh: Việt Hùng |
Từ hàng cây băng keo và chiếc máy xúc chạy điện…
Chúng tôi đến khu vực khai thác, chế biến tại mỏ đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) thuộc thôn Khuôn Ráng và thôn Hang Hút, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang vào một trong những ngày nắng nóng nhất của năm 2017.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đó là khu mỏ khai thác và chế biến đá nằm cách xa Quốc lộ 2C khoảng 1km và tách biệt hoàn toàn với các khu dân cư xung quanh. Với hệ thống đường nội bộ quy củ, khuôn viên nhà điều hành rợp màu xanh lại cách xa khu vực sản xuất, bãi chứa VLXD… khiến chúng tôi không có cảm giác ngột ngạt, bụi bặm của các lán trại khai thác đá làm VLXD thông thường.
Chiếc máy xúc chạy điện - một cải tiến nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm khói bụi, đảm bảo môi trường của Công ty CP Lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang. Ảnh: Việt Hùng |
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng khu khai thác và chế biến đá thành vật liệu xây dựng của công ty, kỹ sư Phạm Đức Toàn - Giám đốc Nhà máy sản xuất đá VLXD Tuyên Quang (thành viên của Công ty CP lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang) cho biết: Mỏ đá vôi thuộc thôn Khuôn Ráng và thôn Hang Hút, xã Phúc Ứng huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang có công suất khai thác: 250.000 m3/năm trong thời hạn 30 năm kể từ năm 2015. Khu vực dự án có diện tích là: 463.490 m2. Trong đó: Khu vực khai thác là: 296.890 m2. Khu vực chế biến và các công trình phụ trợ khác: 166.600 m2; Diện tích xây dựng nhà máy: 75.500 m2; Đới an toàn bắn nổ mìn: 91.100 m2; Trữ lượng khai thác: 7.396.898 m3…
Video: Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương - ông Nông Minh Hiền nhận xét về công tác bảo vệ môi trường tại mỏ đá Phúc Ứng
Điều lạ là dù công trường khai thác đang hoạt động với tiếng máy khoan, tiếng xe ô tô chở đá nổ ròn rã, tịnh không nghe và không nhìn thấy làn khói đen đặc trưng từ những chiếc máy xúc đang hoạt động. Giải đáp sự ngạc nhiên của chúng tôi, kỹ sư Phạm Đức Toàn nói: “Đó là sáng kiến của lãnh đạo Công ty đấy. Nhà báo nhìn kỹ đi, chiếc máy xúc nào cũng có dây dẫn điện để thay dầu chạy máy đó thôi. Vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường đấy các nhà báo ạ”.
Quan sát một vòng khu sản xuất, chúng tôi nhận thấy sự quy củ và khoa học của Công ty CP lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang trong hoạt động khai thác và chế biến đá làm VLXD nơi đây. Trong khuôn viên của mình, công ty đặt mỏ khai thác cách xa khu dân cư gần nhất với khoảng cách hơn 1km lại nằm ngoằn nghoèo trong khe núi để đảm bảo công tác nổ mìn an toàn. Từ điểm khai thác, xe ô tô sẽ vận chuyển ra điểm chế biến VLXD cách đó hơn 500m.
Đặc biệt, để giảm tối đa lượng bụi trong quá trình sản xuất VLXD, công ty đã cho trồng hàng băng với chiều dài hơn 400m, chiều rộng từ 60m đến 80m bằng cây keo tai tượng. Và đến nay, hàng keo đã cao từ 15m đến 20m đảm bảo ngăn một cách cơ bản bụi tỏa ra khu dân cư gần nhất, mà khu vực này cũng cách xa điểm nổ mìn hơn 1km, cách xa khu sản xuất hơn 500m.
…đến quyết tâm bảo vệ môi trường trong sản xuất.
“Chúng tôi quyết tâm bảo vệ môi trường và an toàn lao động trước hết cho công nhân trong công ty và những người này hầu hết cũng là bà con, họ hàng của chúng tôi. Tiếp đến, đó cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng dân cư địa phương…” - ông Nguyễn Phương Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường chiều 01/8/2017.
Mỏ đá Phúc ứng nằm cách xa khu dân cư và cách xa Quốc lộ 2C trên 1km. Ảnh: Việt Hùng |
Theo đó, trong suốt quá trình hoạt động Công ty luôn chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác và chế biến đá vôi tại mỏ. Định kỳ 6 tháng 1 lần Công ty tiến hành quan trắc môi trường và báo cáo quản lý chất thải nguy hại gửi Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang; Định kỳ hàng năm nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường đầy đủ đồng thời thực hiện đầy đủ nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm phê duyệt và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Phương Nam giải thích cụ thể hơn: Để giảm thiểu bụi phát tán trong quá trình vận chuyển trong mỏ, Công ty sử dụng xe tưới nước, thể tích bồn là 10m3. Tần suất tưới 3lần/ngày đối với những ngày hanh khô, có nắng; Đối với hoạt động nghiền sàng đá: Để giảm thiểu phát tán bụi tại khu vực nghiền sàng đá, Công ty đã sử dụng hệ thống giàn phun sương dập bụi, bao gồm 1 máy bơm công suất 1m3/h, téc chứa nước có thể tích 10m3, ống dẫn nước bằng nhựa, và các đầu phun sương lắp đặt tại vị trí hàm kẹp, gầm xilo, búa đập và đầu cần bột (sản phẩm đá 0x0,5).
Video: Lãnh đạo Công ty phát biểu khẳng định cam kết BVMT trong sản xuất
Ngoài các biện pháp trên, Công ty đã có biện pháp xây dựng hàng rào cây xanh (cây keo tai tượng) trong khu vực văn phòng và dọc theo các tuyến đường vận chuyển trong mỏ để giảm thiểu sự phát tán bụi ra môi trường xung quanh và tạo không gian, bóng mát vì cây xanh có tác dụng rất lớn trong việc hạn chế ô nhiễm không khí như: thu hút bụi, lọc sạch không khí, giảm và che chắn tiếng ồn, giảm nhiệt độ không khí đồng thời còn tạo thẩm mỹ và cảnh quan môi trường khu vực mỏ…
Xe tưới đường thường xuyên hoạt động với tần xuất 3 tiếng/lượt để giảm đết mức tối đa bụi trong quá trình vận chuyển. Ảnh: Việt Hùng |
Bên cạnh đó, các loại nước thải như: Nước thải sinh hoạt; Nước mưa chảy tràn… đều được xử lý đúng quy định. Công ty cũng xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo không phát tán mùi ra môi trường xung quanh. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại mỏ được thu gom vào các thùng chứa rác đặt tại khu vực: văn phòng, nhà ở của công nhân, nhà ăn, nhà tắm và nhà vệ sinh. Sau đó được mỏ vận chuyển đến bãi rác của địa phương để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường…
Đánh giá về hoạt động bảo vệ môi trường của công ty, ông Dương Xuân Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng nói: “Công ty đã hoạt động đúng giấy phép, đảm bảo môi trường xung quanh nên nhiều năm trở lại đây người dân không hề có đơn thư kiến nghị gửi lên UBND xã. Ngoài ra Công ty cũng làm rất tốt công tác xã hội, tham gia vào công tác đền ơn đáp nghĩa của địa phương một cách rất tích cực”.
Khuôn viên khu vực sản xuất VLXD từ đá vôi luôn đảm bảo thân thiện với môi trường. Ảnh:Việt Hùng |
Trao đổi với nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và môi trường chiều 01/8 về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác và sản xuất đá làm VLXD nơi đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương - ông Nông Minh Hiền cho biết ông rất ấn tượng với công tác chấp hành hệ thống pháp luật nói chung và Pháp luật về Bảo vệ môi trường nói riêng của Công ty CP lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang.
“Bụi trong khai thác và sản xuất đá vật liệu là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên bằng hàng loạt giải pháp như: Phun sương trên dây truyền sản xuất, tưới nước thường xuyên, trồng hàng băng cây keo chắn bụi... hoạt động khai thác, chế biến tại mỏ đá vôi thuộc thôn Khuôn Ráng và thôn Hang Hút, xã Phúc Ứng đã giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường” - ông Nông Minh Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh.
Việt Hùng - Đức Thiện - Hoàng Anh