Hàng chục ngàn héc-ta lúa ở Kiên Giang vật vã “khát” nước ngọt

02/03/2018 17:48

Khoảng 10 ngày qua, những người trồng lúa trên địa bàn huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) như đang “ngồi đóng lửa”, khi hàng chục ngàn héc - ta lúa nơi đây đang...

Khoảng 10 ngày qua, những người trồng lúa trên địa bàn huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) như đang “ngồi đóng lửa”, khi hàng chục ngàn héc - ta lúa nơi đây đang trong giai đoạn trổ bông nhưng lại thiếu nước ngọt vì nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. 

Người trồng lúa ám ảnh bởi… nợ hạn mặn
 
Lo sợ lúa chết, khi nước mặn đã tràn sâu vào nội đồng, một số khu vực đất ruộng trũng lúa đã bắt đầu héo lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển, thế nhưng việc điều phối các cống, đập ngăn mặn nơi được ngành chức năng nơi đây chuyển khai chậm trễ, chưa quyết liệt. 
 
Đỉnh điểm, ngày 26/2, hàng chục hộ dân của hai xã Kiên Bình, xã Hòa Điền đã kéo nhau lên UBND huyện Kiên Lương, trình bày bức xúc và yêu cầu cho triển khai nhanh việc ngăn chặn nước mặn.
tnmt 1 Hàng chục ngàn héc ta lúa ở Kiên Giang vật vã “khát” nước ngọt
Nông dân trồng lúa tại huyện Kiên Lương đang rất lo lắng khi lúa "khát" nước ngot
Nông dân Trần Văn Tuấn (ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình) bức xúc: Khoảng mùng 6 Tết Nguyên đán, thấy nước dưới các con kênh ngã màu sậm hơn, tôi cùng nhiều bà con khác nghi nước mặn đã xâm nhập. Sợ lúa chết giống như vụ Hè Thu 2015-2016 và vụ Đông Xuân 2016-2017, nên chúng tôi tìm đến chính quyền ấp, xã để báo sự việc, nhưng chưa thấy có sự vào cuộc. Lo lắng, ngày 26/2 vừa qua, khi chúng tôi lên UBND huyện Kiên Lương thì ngành chức năng hứa sẽ đóng ngay đập kênh 6 (xã Hòa Điền, ngăn nước mặn vào sâu nội đồng) nhưng đến nay vẫn làm chưa xong (?!). Giờ nước mặn đã tràn vào các con kênh lớn, nhỏ. Lúa đang vào giai đoạn trổ bông, rất cần nước ngọt, nếu chậm trễ khoảng 5 ngày nữa thì người trồng lúa của chúng tôi sẽ phải chết theo cây lúa vì nợ sẽ chồng nợ.
 
Đa phần bà con nơi đây sản xuất lúa với diện tích rất lớn, theo tính toán để đầu tư cho một công lúa (1.000m2) thì chi phí khoảng 2 triệu đồng. Cũng do ảnh hưởng của nước mặn của 2 vụ mùa Hè Thu 2015-2016 và Đông Xuân 2016-2017, mà nhiều bà con nơi đây đã hết vốn đầu tư sản xuất. Để có đủ chi phí sản xuất đầu vào, nhiều hộ đã phải vay ngân hàng với mong muốn vụ lúa năm nay sẽ bội thu.
 
Nước mặn đã vào đồng ...ngành chức năng mới cho đắp đập
 
Không chịu được cảnh nhìn cây lúa đang “khát” nước ngọt trong gian đoạn quan trọng, ngày 1/3, nông dân 2 xã Hòa Điền và Kiên Bình tiếp tục đến UBND huyện Kiên Lương yêu cầu được gặp người có thẩm quyền để xin “cứu lúa”. 
 
Trước yêu cầu của hàng chục hộ dân, Ban tiếp dân huyện Kiên Lương mời người dân vào phòng họp, lắng nghe ý kiến, báo cáo lãnh đạo huyện giải quyết. Mặc dù, trước sự việc hàng ngàn héc-ta lúa sắp chết vì hạn mặn, nhưng buổi họp chỉ có ông Lê Văn Hiền - Phó Chánh văn phòng UBND huyện và ông Trần Bình Trọng - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng ra tiếp dân.
tnmt 2 Hàng chục ngàn héc ta lúa ở Kiên Giang vật vã “khát” nước ngọt
Đập T6 (kênh 6) được tiến hành đắp khi nước mặn đã tràn vào nội đồng
Tại đây, lão nông Trần Văn Đựng (ấp Tân Điền, xã Hòa Điền) bức xúc: “900 công lúa của gia đình tôi cùng hàng chục ngàn héc-ta của bà con, là mạng sống của người dân.  
 
Hạn mặn 2015, 2016 cán bộ thấy dân thiệt hại thế nào và sự thiệt hại đó còn ảnh hưởng đến đời sống bà con chúng tôi đến ngày hôm nay. Nếu năm nay lúa chết nữa thì bà con làm sao sống nổi. Cống là để điều tiết nước cho phù hợp, không phải cố định đóng hay mở. 
 
Nhưng trong những đợt hạn mặn vừa qua, chính quyền không làm được việc điều tiết nước giúp dân. Đập kênh 6 là cửa ngỏ còn lại để nước mặn vào nhưng vì sao chính quyền không đóng đập sớm?. Đồng thời, nhiều cống, đập khác tại các kênh được đầu tư tiền tỷ nhưng nhân dân chúng tôi vẫn không thấy hoạt động”.
tnmt 3 Hàng chục ngàn héc ta lúa ở Kiên Giang vật vã “khát” nước ngọt
Nông dân bức xúc với cách làm việc chậm trễ của chính quyền địa phương
Chưa hết, người dân nơi đây cho rằng, tại sao khi dân lên báo tình trạng nước bắt đầu tràn vào đồng thì ngành chức năng không tiến hành đắp đập kênh 6, mà đến khi nước mặn đã xâm nhập vào nội đồng hơn 30km thì mới cho đắp đập. “Việc xả nước mặn ra bây giờ lại tốn thêm nhiều chi phí vận hành máy bơm công suất lớn, mà hiệu quả lại không cao. Trong khi đó, chỉ khoảng 5-10 ngày nữa, nước trong nội đồng không được “ngọt hóa” thì lúa sẽ chết hết”. - nông dân Đỗ Ngọc Thanh (xã Hòa Điền) lo lắng.
 
Người dân “cầu mưa” cứu lúa
 
Không đặt vấn đề về trách nhiệm của ngành chức năng địa phương khi để nước mặn tràn sâu nội đồng, nhiều hộ dân đã khẩn thiết “xin” được đưa ra giải pháp “cứu lúa” và mongb muốn sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Nông dân Trương Văn Minh (xã Hòa Điền) - đại diện các hộ dân đưa ra giải pháp tháo nước mặn: “Tôi đề nghị chính quyền cần đóng nhanh đập T6 (kênh 6). Khi đập T6 được đóng xong, cho người canh nước 24/24 tại các cống, khi thấy có sự chênh lệnh mực nước là mở cống, đặc biệt là cống Ba Hòn ngay để tháo nước mặn ra biển. Đồng thời, phải mở đập kênh T3 (kênh 13) để lấy nước ngọt từ kênh Vĩnh Tế (tỉnh An Giang) về đồng. Nếu chính quyền, ngành chức năng không vào cuộc thì người dân chúng tôi chỉ biết "cầu mưa" cứu lấy lúa".
tnmt 4 Hàng chục ngàn héc ta lúa ở Kiên Giang vật vã “khát” nước ngọt
Ông Trần Bình Trọng, Trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Kiên Lương trả lời người dân
Sau khi nghe người dân phản ánh, ông Trần Bình Trọng, Trưởng phòng kinh tế hạ tầng, cho biết, việc để nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng là vấn đề cần phải giải quyết nhanh và gửi lời xin lỗi đến bà con. “Trước sự việc hôm nay tôi xin lỗi bà con và tán thành với đề xuất của ông Minh. Và xin thông tin cho bà con an tâm là hiện tại, đập kênh 6 đã được đóng xong. Giải pháp tiếp theo là huyện sẽ cho mở tất cả các cống Lung Lớn 1, 2, Cống Cái Tre. Riêng cống Ba Hòn, sẽ mở để tháo mặn. Ngoài ra, huyện đã chuẩn bị 4 máy bơm công suất lớn để bơm nước mặn ra ngoài nếu mở cống không được”.
 
Cũng theo ngành chức năng huyện Kiên Lương, việc đống đập kênh 6 tạm đã thực hiện 3 năm qua bằng việc đống cừ thép Larsen, tổng vốn mỗi lần đống đập tạm kênh 6 khoảng 6 tỷ đồng. Khi hết nước mặn, cư thép sẽ được tháo lên để các tàu chở cát đá ra Hà Tiên, Phú Quốc… Trả lời câu hỏi của PV, vì sao đập kênh 6 không được đóng sớm hay làm kiên cố bằng bê tông, ông Trọng cho biết: “Việc này huyện chỉ kiến nghị lên UBND tỉnh và tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện việc đống đập tạm. Riêng việc xây cống kênh 6 kiến cố, phía huyện đã đề xuất nhiều năm qua nhưng do kinh phí xây cống quá lớn, trên 200 tỷ nên chưa thực hiện được”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng chục ngàn héc-ta lúa ở Kiên Giang vật vã “khát” nước ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO