Hạn ngạch trồng lúa giảm 35 lần
Amber rice (tạm dịch gạo hổ phách) là một loại gạo thân dài với mùi hương đặc biệt như mùi thơm của nhựa hổ phách. Trong các bữa ăn của người Iraq, gạo hổ phách thường được dùng với thịt cừu, bánh mì mansaf và các loại rau củ nhồi.
Tuy nhiên, sau ba năm hạn hán, vào năm 2022, việc trồng gạo hổ phách chỉ còn mang tính biểu tượng truyền thống của nước này. Điều này buộc người tiêu dùng phải tìm đến các loại gạo nhập khẩu, đồng thời, đặt nông dân vào tình thế khó khăn.
Ông Abu Rassul, một nông dân làng Al-Abassiya, tỉnh Najaf, miền Trung Iraq cho biết: “Chúng tôi sống nhờ vào mảnh đất này. Từ khi còn nhỏ, gia đình tôi đã trồng lúa màu hổ phách. Nguồn nước dồi dào giúp chúng tôi trồng và thu hoạch lúa đều đặn, ngoại trừ những năm gần đây”.
Thông thường, những cánh đồng lúa được trồng vào giữa tháng 5 sẽ ngập nước suốt mùa hè cho đến tháng 10, tuy nhiên, đối với người dân Iraq hiện tại, đó là điều xa xỉ.
Ông Shaker Fayez Kadhim, Giám đốc Quản lý tài nguyên nước của công ty Najaf (Iraq) chia sẻ với Hãng thông tấn AFP (Pháp): “Trữ lượng nước của nước ta hiện còn thấp hơn nhiều so với mực nước tới hạn là 18 tỷ mét khối".
Ông cho biết: “Trong thời gian canh tác - khoảng 5 tháng - lúa hổ phách cần khoảng 10 đến 12 tỷ mét khối nước mới có thể phát triển khỏe mạnh và đạt sản lượng tốt, vì vậy, rất khó để trồng lúa ở Najaf hoặc các tỉnh khác do thiếu nước trầm trọng”.
Điều này hoàn toàn trái ngược so với trước đây khi có hơn 70% sản lượng gạo hổ phách được trồng ở Diwaniyah và các tỉnh Najaf lân cận.
Vào đầu tháng 5/2022, các quan chức Bộ Nông nghiệp Iraq đã giảm tổng diện tích trồng lúa tại tỉnh Najaf và Diwaniyah xuống chỉ còn 1.000 ha. Trong khi đó, hạn ngạch thông thường là 35.000 ha. Tình trạng thiếu nước cũng dẫn đến giảm hạn ngạch trồng lúa mì.
Ông Mohammed Chasseb, một quan chức cấp cao thuộc phòng kế hoạch của Bộ Iraq cho biết sản lượng gạo hàng năm của nước này là 300.000 tấn. Tuy nhiên theo Ngân hàng Thế giới, năm, ngoái, giá trị ngành nông nghiệp của Iraq đã giảm 17,5% do hạn hán kéo dài, trình trạng mất điện và giá nguyên liệu đầu vào toàn cầu tăng. Các yếu tố này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến Iraq - một quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ nhưng lại muốn đa dạng hóa nền kinh tế.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Iraq trong tiếng Ả Rập là "đất nước của hai dòng sông" - sông Tigris và Euphrates. Tuy nhiên, dù có hai nguồn nước dồi dào đó, nguồn cung cấp nước vẫn giảm dần trong nhiều năm. Ngoài ra, Iraq cũng là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu và sa mạc hóa.
Đất nước này đã phải hứng chịu hệ quả của biến đổi khí hậu vô cùng thảm khốc: các dòng sông dần trở nên khô hạn, các trận bão cát ngày càng dữ dội hơn, năng suất cây trồng giảm. Tất cả điều này đều trở thành thách thức với Iraq sau nhiều thập kỷ ngập trong chiến tranh và các cuộc nổi dậy.
Hai dòng sông chính của Iraq, Tigris và Euphrate cùng các nhánh sông của chúng bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran, đều có đập nước ở thượng nguồn. Điều này làm giảm lượng nước của hai dòng sông khi chảy vào Iraq.
Ông Kadhim cho biết lượng nước mà sông Euphrates cung cấp đã giảm xuống khoảng một phần ba so với mức trung bình. Do vậy, ông mong có nhiều hành động hơn nữa để tăng nguồn nước này lên.
Ông Ahmed Hassoun, 51 tuổi, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân tỉnh Najaf chia sẻ về điều ông lo ngại nhất: “Nếu tiếp tục tình trạng thiếu nước, việc trồng lúa có thể sẽ biến mất”.
Ngoài ra, ông Hassoun, một kỹ sư nông nghiệp cho biết: “Tôi biết Iraq sẽ thiếu mưa trong những năm tới. Mặc dù vậy, ta vẫn chưa làm được gì để hiện đại hóa hệ thống thủy lợi".
Tuy nhiên, đối với một đất nước đang vật lộn với tình trạng tham nhũng và khủng hoảng tài chính sau nhiều thập kỷ chiến tranh, nông nghiệp không phải là lĩnh vực duy nhất cần nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Ông Hassoun chia sẻ thêm Iraq đã trở thành "thị trường cho tất cả các nước láng giềng". Sở dĩ ông nói như vậy là do gần đây xuất khẩu nông sản của Iran và Thổ Nhĩ kỳ sang Iraq tăng dần.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới, một chương trình viện trợ lương thực nhân đạo của Liên Hợp Quốc, nông nghiệp là ngành đóng góp lớn thứ hai vào GDP của Iraq, chỉ sau ngành khai thác dầu mỏ và sử dụng khoảng 20% lực lượng lao động nước này.
Ông Jassem Zaher, một nông dân Iraq trồng lúa hổ phách chia sẻ: "Chúng tôi muốn Nhà nước quan tâm hơn đến đời sống của nông dân chúng tôi. Chúng tôi không trồng được các loại cây trồng khác ngoài gạo hổ phách. Đó là kế sinh nhai của chúng tôi”.