Tài nguyên nước

Hải Phòng: Phát triển kinh tế nhờ tận dụng hiệu quả tài nguyên nước

Hoàng Phong 17/06/2024 - 20:11

(TN&MT) - Nghề nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân tại xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng). Theo người dân, việc nuôi trồng thủy sản được thành công hay thất bại thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, nguồn nước đóng vai trò rất quan trọng.

Lập Lễ là một xã ven biển nằm ở phía Đông Nam huyện Thủy Nguyên, với số dân gần 14.000 người, diện tích tự nhiên 1.179,57 ha. Xã có tuyến đê biển ngăn mặn trên 6km, có 75 ha đất rừng ngập mặn cây chắn sóng, 317ha diện tích đất nuôi trồng thủy sản thuộc bãi bồi ven sông ngoài đê Quốc gia và 100ha nuôi thủy sản nước ngọt. Trên địa bàn xã hiện có hơn 400 hộ nuôi trồng thuỷ sản nước lợ và nước ngọt, trong đó, chủ yếu là nuôi cá trắm và cá vược.

Theo ông Đinh Khắc Quý (70 tuổi, chủ khu đầm nuôi cá trắm đen tại Mắt Rồng, xã Lập Lễ) cho biết, gia đình ông nuôi trồng thủy sản được 8 năm nay. Khu đầm trước đây là ruộng hoang hóa, nên gia đình ông đã bỏ công sức, tiền của để làm ao, hệ thống bờ kè, tẩy sạch đầm, đầu tư máy quạt guồng nước để tạo oxy cho cá…

Ban đầu, với diện tích 1ha mặt nước, ông Quý thả khoảng 3000 con giống cá trắm đen. Tuy nhiên, do nuôi con giống từ nhỏ nên phải 2 năm sau, khi cá có trọng lượng từ 4 – 5kg/con mới được thu hoạch. Thời điểm đó, gia đình ông Quý thu hoạch được khoảng 1 tỷ, bao gồm cả vốn và lãi.

z5528517615514_64b806e7218b83ab1a3fd343225d0658(1).jpg
Xã Lập Lễ hiện có hơn 400 hộ nuôi trồng thuỷ sản

Một thời gian sau, ông Quý quyết định mở rộng diện tích nuôi trồng lên 1,3ha, với khoảng 7.000 con giống. Để nhanh được thu hoạch, ông Quý đã chọn mua loại con giống khoảng 2kg, nên chỉ một năm sau là được thu hoạch.

Theo đó, với 7.000 con giống, mỗi năm gia đình ông Quý phải bỏ chi phí khoảng 2,5 tỷ, bao gồm: Tiền mua con giống, thuốc, thức ăn, tiền điện… Hiện nay, giá của cá trắm đen là 65.000 đồng/kg, nên sau khi trừ các chi phí thì cho lãi khoảng hơn 200 triệu.

Cũng theo ông Quý, việc nuôi trồng thủy sản thành công hay thất bại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, nguồn nước đóng vai trò rất quan trọng. Bởi vậy, gia đình ông phải mua thiết bị đo chất lượng nước để khi phát hiện nước không đảm bảo thì phải thay ngay và làm các biện pháp khử khuẩn. Tuy nhiên, nước trong đầm của nhà ông được lấy từ sông Ruột Lợn nên rất đảm bảo và phù hợp cho việc nuôi trồng thủy sản.

z5528516381428_5a36d32f31e8d17cb12beebedaff4716.jpg
Nghề nuôi trồng thuỷ sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người dân xã Lập Lễ

Ông Vũ Văn Đa – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lập Lễ cho biết, nghề nuôi trồng thủy sản đã có từ rất lâu và là ngành nghề kinh tế mũi nhọn của địa phương. Do đó, xã Lập Lễ mong muốn mô hình nuôi trồng thủy sản sẽ ngày càng phát triển hơn nữa. Hiện nay, xã có sản phẩm cá trắm đen nước lợ một nắng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và đang được cơ quan chức năng hướng dẫn để trở thành sản phẩm OCOP 4 sao.

Nói về vai trò của nguồn nước đối với nuôi trồng thủy sản, ông Vũ Văn Đa cho biết, đây là yếu tố rất quan trọng. Bởi nếu nguồn nước sạch thì con cá sẽ phát triển tốt, không mắc bệnh và làm tăng sản lượng cũng như chất lượng, còn nếu nguồn nước ô nhiễm sẽ làm cá chậm phát triển và chất lượng không được ngon, thậm chí là cá sẽ bị chết hàng loạt.

Ông Phạm Văn Khải – Chủ tịch UBND xã Lập Lễ cho biết, hàng năm, các cơ quan chức năng như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng về địa phương lấy mẫu nước để tiến hành phân tích. Rồi sau đó, các Sở sẽ có khuyến cáo để xã đưa ra chỉ đạo và hướng dẫn các hộ nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo vệ sinh môi trường nước để phát triển sản xuất.

Kết quả rà soát cuối năm 2023 cho thấy, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên còn 524 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,47%; Hộ cận nghèo là 2.012 hộ, chiếm tỷ lệ 1,80%.
Theo kết quả rà soát, báo cáo của UBND các xã, thị trấn, số hộ, số nhân khẩu đủ điều kiện thoát nghèo, thoát cận nghèo trong quý II/2024: Hộ nghèo giảm 292 hộ, với 704 nhân khẩu, tỷ lệ giảm 0,26%; Số hộ nghèo còn lại đầu quý III/2024 là 232 hộ, với 504 nhân khẩu, tỷ lệ 0,21%. Hộ cận nghèo giảm 280 hộ, với 522 nhân khẩu, tỷ lệ giảm 0,26%. Số hộ nghèo còn lại đầu quý III/2024 là 1.732 hộ, với 3.851 nhân khẩu, tỷ lệ 1,54%.
Huyện Thủy Nguyên đang tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện các chính sách giảm nghèo, xóa nghèo năm 2024, phấn đấu đến hết quý III/2024 tiếp tục giảm 0,21% hộ nghèo còn lại và hoàn thành chỉ tiêu thành phố giao năm 2024 trên địa bàn huyện
không còn hộ nghèo. Đồng thời, tỷ lệ hộ cận nghèo của huyện giảm xuống còn 0,9% (tương đương giảm 50% cả năm).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Phát triển kinh tế nhờ tận dụng hiệu quả tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO