Đối mặt với thách thức
Hải Phòng là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu (theo công bố của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế – OECD). BĐKH đã tác động nhiều mặt đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân.
Những năm gần đây, cửa sông ở Hải Phòng cũng diễn ra quá trình bồi xói mạnh; lòng sông và bãi sông biến dạng, lạch sâu áp sát bờ gây ảnh hưởng đến đê điều. Xói lở bờ biển làm mất đi diện tích đất ở, đất sản xuất và mất nơi cư trú của sinh vật ven biển. Bãi bồi thuộc đảo Cát Hải và xã Phù Long (thuộc đảo Cát Bà) hiện nay đang bị xói lở tại bãi triều cao, tạo thành diện tích bãi triều thấp.
Bên cạnh đó, vấn đề tài nguyên nước ở Hải Phòng cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây suy thoái, ô nhiễm. Các cửa sông của Hải Phòng đang phải gánh chịu một lượng chất thải từ thượng nguồn của hệ thống sông Thái Bình dồn về. Mực nước biển dâng cao làm tăng nguy cơ ngập lụt và xâm nhập mặn; biến đổi độ mặn theo mùa và chiều dài xâm nhập mặn ngày một lớn gây ảnh hưởng cho nuôi trồng thủy sản, trồng trọt và các ngành sản xuất có yêu cầu sử dụng nhiều với chất lượng nước cao. Trữ lượng, chất lượng nước ngầm suy giảm, hiện tại thành phố đã có chủ trương tạm dừng việc khai thác nước ngầm.
Cơn mưa lớn đêm 29 - 5- 2013 khiến TP.Hải Phòng chìm trong biển nước |
Trong vài năm gần đây, trên địa bàn thành phố xảy ra những đợt triều cường lớn xuất phát từ nguyên nhân nước biển dâng, gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Những trận mưa lớn có thể lên đến 120mm kết hợp với triều cường làm cho hoạt động toàn bộ nội thành Hải Phòng gần như đình trệ vì ngập nước ở hầu hết các tuyến đường. Mưa to kéo dài khiến mực nước ở một số hồ dâng lên cao nên không thực hiện được chức năng điều hòa. BĐKH và nước biển dâng làm ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân và nuôi trồng thủy sản; tác động đến quy hoạch của ngành thủy sản.
Ngoài ra, vấn đề phát thải khí nhà kính cũng là một thách thức lớn đối với TP.Hải Phòng. Dự báo đến năm 2020 tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố (trong các lĩnh vực chủ yếu) sẽ tăng 367% so với năm 2010. Cụ thể: Sản xuất và tiêu thụ năng lượng tăng 79,2%; giao thông 0,4%; quy trình công nghệ 15,0%...
Trong khi đó, TP. Hải Phòng vẫn đang gặp phải khó khăn trong việc ứng phó với BĐKH về nhiều mặt như: nhận thức của các tổ chức chính trị, xã hội và cộng đồng về BĐKH và tác động tiêu cực của nó còn hạn chế; Hầu như chưa có việc tích hợp BĐKH trong quy hoạch, thiết kế và thực thi các chính sách; Các giải pháp ứng phó với BĐKH mới chủ yếu tập trung cho giai đoạn trước mắt đến năm 2025; Việc triển khai các biện pháp ứng phó còn nhiều lúng túng, bị động, sự phối hợp giữa các cơ sở chuyên môn chưa chặt chẽ…
Rà soát giải pháp ưu tiên
Việc rà soát, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TP.Hải Phòng giai đoạn 2016 – 2020 có sự thống nhất cao với bản kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt; đồng thời góp phần bổ sung một số vấn đề cơ bản phù hợp trong tình hình mới; rà soát thứ tự ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án.
Theo đó, TP Hải Phòng ưu tiên thực hiện chương trình nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó về BĐKH cho cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng dân cư. Triển khai các dự án: Phục hồi và phát triển rừng phòng hộ ven biển, ven sông TP.Hải Phòng; Ngăn xâm nhập mặn vùng cửa sông Thái Bình khu vực huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo; Lựa chọn và nhân rộng một số mô hình sinh kế bền vững trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng cho cộng đồng dân cư ven biển TP.Hải Phòng; Bảo tồn đa dạng sinh học vùng biển Cát Bà và Bạch Long Vĩ; Rà soát và cập nhật kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho thành phố Hải Phòng đến năm 2050.
giơí hạn xâm nhập mặn 4%o tương ứng với các kịch bản khác nhau của nước biển dâng |
Đồng thời, TP. Hải Phòng cũng tập trung xây dựng hệ thống chiếu sáng dùng năng lượng mặt trời ở các xã, thị trấn có điểm dân cư tập trung; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới; xây dựng và triển khai sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu ít phát thải nhà kính trong hoạt động Nông nghiệp – Công nghiệp – Giao thông vận tải; nghiên cứu xây dựng chương trình ứng dụng KH&CN để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giống cây trồng và kỹ thuật canh tác, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, triển khai đường phòng chống lụt bão ứng phó với BĐKH tại khu vực cửa sông Văn Úc trên địa bàn hai huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy.
TP. Hải Phòng đặc biệt ưu tiên đề xuất dự án mới, có tính liên vùng giữa các vỉnh ven biển phía Bắc là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình để làm cơ sở thực hiện kế hoạch hiệu quả trong những năm tiếp theo. Hải Phòng thực hiện đề án điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển vịnh bắc bộ thuộc địa bàn 5 tỉnh, thành phố trên phục vụ công tác quản lý tổng hợp biển và hải đảo trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng.
Tuyết Chinh