Hải Phòng: Cần xử lý nghiêm các công trình sai phạm trên vịnh Lan Hạ

03/05/2018 00:28

(TN&MT) - Gần đây, một số đảo trên vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng mọc lên nhiều công trình kiên cố phục vụ khách du lịch tham...

(TN&MT) - Gần đây, một số đảo trên vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng mọc lên nhiều công trình kiên cố phục vụ khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú. Điều đáng nói, các công trình này nằm trong địa bàn quản lý của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà, nhưng TP Hải Phòng chưa phê duyệt Đề án thuê môi trường để phát triển du lịch sinh thái, VQG Cát Bà tự ý liên doanh với các doanh nghiệp du lịch để xây dựng các công trình du lịch trên 14.000 m2 đất rừng và 150 ha mặt nước.

Tự ý bắt tay liên kết với doanh nghiệp

Từ Bến Bèo, khoảng 30 phút đi tầu máy, vịnh Lan Hạ hiện lên với cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ gồm những ngọn núi cao, xếp liền kề nhau, xa xa những bãi đá, bãi cát trắng trải dài... Tại khu đảo Cát Dứa những công trình với quán bar - karaoke xây kiên cố trên đỉnh núi. Các điểm đảo khác như: Nam Cát, Vạn Bội, Tháp Nghiêng... đều có các dãy nhà nghỉ và các bến neo đậu tàu du lịch. Tại khu vực Nam Cát, có một dãy nhà lưu trú dành cho khách du lịch theo tour. Công trình gồm các cột bê tông đỡ phía dưới. Tại khu vực Bãi Tháp Nghiêng có khoảng 10 bungalow nghỉ dưỡng dựa vào núi, gần mép biển. Được biết, giá thuê lưu trú dao động khoảng 1,5 - 2 triệu/phòng/ngày đêm.
hp cong rinh 4 1
Công trình sai phạm trên vịnh Lan Hạ nhưng Tp Hải Phòng tới nay vẫn chưa xử lý dứt điểm
Được biết, năm 1999, tại VQG Cát Bà xây dựng dịch vụ nghỉ dưỡng ở 2 bãi tắm Nam Cát và Cát Dứa 2 với vật liệu chủ yếu là tre, nứa, lá cọ. Đến năm 2009, vườn xây dựng "Đề án cho thuê môi trường để phát triển du lịch sinh thái" và "Đề án giá cho thuê môi trường" trình UBND TP Hải Phòng. Trước năm 2016, VQG Cát Bà liên kết với 9 doanh nghiệp, trong đó có 8 đơn vị đầu tư nâng cấp, sửa chữa hạ tầng tại phân khu phục hồi sinh thái biển. Tại các khu vực như: Nam Cát, Cát Dứa, Vạn Bội, Tháp Nghiêng... xây dựng các bungalow nghỉ dưỡng, nhà nghỉ lưu trú bằng bê tông với diện tích hàng trăm ha. Sau khi rà soát lại hoạt động của du lịch trên vịnh Lan Hạ, còn 3 doanh nghiệp liên doanh liên kết với đơn vị.
anh 2
Hàng loạt công trình đang "bắm nát" vịnh Lan Hạ
Tuy nhiên, UBND TP Hải Phòng đang chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Nếu được công nhận, Di sản mới  sẽ gồm diện tích của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và một phần quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Hiện tại, TP Hải Phòng đã hoàn thành hồ sơ chính của quần đảo Cát Bà và đang lấy ý kiến các sở, ban, ngành trước khi chuyển sang Quảng Ninh và trình Ủy ban Di sản quốc gia. Nếu được công nhận, cái tên Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long sẽ không còn đứng độc lập. Di sản thiên nhiên thế giới tương lai này, ngoài các giá trị được vinh danh của vịnh Hạ Long là cảnh quan, địa mạo - địa chất sẽ có thêm giá trị đa dạng sinh học.

Cần xử lý nghiêm các vi phạm

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thương, Phó giám đốc VQG Cát Bà cho biết:  VQG Cát Bà được thành lập năm 1986, quản lý 17.362 ha khu dự trữ. Trong đó có 26.400 ha quần đảo Cát Bà. VQG có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái, tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường. Ban đầu, VQG Cát Bà do Sở NN&PTNT TP Hải Phòng quản lý. Đến năm 2017, VQG Cát Bà được chuyển về TP Hải Phòng quản lý.

Năm 2000, do nhu cầu và lượng khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương tăng cao, VQG Cát Bà liên hệ với các tổ chức, cá nhân đưa khách du lịch đến thăm quan. Vườn tạo điều kiện cho các tour du lịch, tham quan thắng cảnh. Do quần đảo Cát Bà có phong cảnh đẹp, dịch vụ tốt du khách có nhu cầu lưu trú. Lúc này, các hãng du lịch tổ chức các dịch vụ cắm trại, lưu trú đêm, các lán trại chủ yếu làm bằng tre, nứa thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến bãi tắm, cảnh quan. Tuy nhiên, các vật liệu này không chịu được sóng gió. Sau trận bão lớn năm 2005, cuốn trôi, phá hủy hoàn toàn. Do đó, VQG Cát Bà đề nghị cơ quan chức năng cho phép nâng cấp, sửa chữa, cải tạo cảnh quan, phục vụ du lịch.
anh 4
Liệu UNESCO có chấp nhận thêm quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Cát Bà khi nhìn vào thực trạng hàng chục công trình kiên cố đang phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm phạm nghiêm trọng môi trường tự nhiên ở Cát Bà
Được biết, năm 2009, VQG Cát Bà kêu gọi các doanh nghiệp liên doanh, liên kết thuê môi trường và báo cáo UBND TP Hải Phòng xây dựng đề án. Ban đầu, VQG Cát Bà hợp tác liên doanh với các đơn vị, lập dự án trình thành phố. Các doanh nghiệp đề xuất thuê môi trường, nâng cấp các điểm nghỉ dưỡng. Sở NN&PTNT TP Hải Phòng chỉ đạo: Liên doanh liên kết thí điểm; hoàn thiện đề án, lập đề án cụ thể trình thành phố. Trước khi lập dự án, đề án phát triển du lịch sinh thái, định giá các khu vực, quy chế quản lý. Trong khi UBND TP Hải Phòng chưa phê duyệt, thì các doanh nghiệp đã tự ý cải tạo, xây dựng các công trình kiên cố trên vịnh Lan Hạ để kinh doanh dịch vụ du lịch, thu lợi bất chính và có nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường, ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt là rất cao, trong khi chưa hề có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Khi được hỏi về trách nhiệm của Ban quản lý VQG Cát Bà trong việc quản lý, ông Phạm Văn Thương cho rằng: Các công trình xây dựng trên các đảo tại vịnh Lan Hạ chưa được phê duyệt xây dựng, chưa có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai. Trong quy định, việc xây dựng công trình trong vườn quốc gia chỉ quy định công trình không quá 12m, không quy định rõ cụ thể về chất liệu xây dựng!? Các công trình trong vịnh Lan Hạ vi phạm với lỗi: Chưa hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật. Trước những vi phạm trên, VQG Cát Bà báo cáo TP Hải Phòng, đề xuất để các doanh nghiệp lập dự án, TP Hải Phòng phê duyệt để thực hiện lâu dài, theo hướng cho thuê môi trường.

Ông Phạm Văn Lập, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hải Phòng cho biết: Vấn đề xây dựng các công trình du lịch trên vịnh Lan Hạ đã tồn tại từ lâu, trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Trách nhiệm chính thuộc về VQG Cát Bà trong việc quản lý nhà nước về môi trường cảnh quan, địa giới hành chính, xây dựng công trình trong các Vịnh...  Các đơn vị của Bộ Công an đã làm việc với Công TP Hải Phòng và các đơn vị liên quan về vấn đề này.  Hiện, vụ việc đang trong quá trình điều tra, đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thu thập các tài liệu, chuyển Công an TP Hải Phòng xử lý theo thẩm quyền. TP Hải Phòng cần kiểm tra thực tế, đánh giá cụ thể các vi phạm trọng xây dựng tại vịnh Lan Hạ. Đồng thời, nếu sai xót hoặc có yếu tố tư lợi thì cần xử lý nghiêm các vi phạm nói trên.

Vậy việc thu thuế từ các hoạt động này ra sao, ai chịu trách nhiệm thu thuế và nếu xảy ra vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các công trình kiến cố trên, cũng như rác thải từ hoạt động kinh doanh du lịch ai sẽ chịu trách nhiệm? Rất tiếc, câu hỏi này một số cơ quan quản lý Nhà nước ở Tp Hải Phòng không trả lời được và họ đều thoái thác “đợi Bộ Công an ra kết luận cuối cùng”.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Cần xử lý nghiêm các công trình sai phạm trên vịnh Lan Hạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO