Hải Dương: Ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải
(TN&MT) - Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương từ lâu luôn “nhức nhối” ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và phục vụ sản xuất… của người dân. Mặc dù chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, hạn chế ô nhiễm, nhưng hiện nay hệ thống Bắc Hưng Hải vẫn phải “oằn mình” hứng chịu rác thải, nước thải chưa qua xử lý từ khu dân cư, các nhà máy thải ra.
Tỉnh Hải Dương có 7 huyện, thành phố hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đi qua. Mặc dù, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho người dân. Tỉnh đã giao cho sở, ban, ngành rà soát hệ thống thoát nước thải của khu dân cư cũ, làng nghề, cơ sở chăn nuôi dọc hai bên bờ sông Bắc Hưng Hải để có đề xuất mô hình trạm xử lý nước thải tập trung phù hợp với thực trạng thoát nước thải, điều kiện kinh tế, điều kiện quản lý vận hành, tập quán sinh hoạt của khu vực nông thôn. Nhưng trên thực tế hiện nay, hệ thống Bắc Hưng Hải qua một số địa phương đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải, nước sinh hoạt của khu dân cư xả ra trực tiếp khiến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân bị đảo lộn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Hiệp, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang phản ánh: Sông Sặt (thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải) đoạn qua xã thường xuyên bốc mùi hôi thối nồng nặc, nước sông đặc quánh. Những hộ gia đình sinh sống gần sông thường xuyên đóng cửa, nhưng không tránh khỏi mùi hôi hám bốc vào nhà. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, vào mùa mưa đỡ mùi, nhưng khổ nhất là vào mùa hanh khô, người dân khổ sở vi sống chung ô nhiễm môi trường. Theo ông Hiệp, nguyên nhân dẫn đến sông Sặt thường xuyên bị ô nhiễm là do các nhánh sông nhỏ liên quan đến nước thải của các Khu và Cụm công nghiệp trên địa bàn đổ vào. Ông mong muốn chính quyền có giải pháp kiểm soát nguồn nước của Công ty, nhà máy có nguồn xả thải trước khi xả ra môi trường.
Bà Nguyễn Thị Diệu, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, cho biết: Đoạn kênh mương qua xã và xã Đức Chính kế bên (thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải) thường xuyên ô nhiễm nặng, người dân hiện không dám lấy nước để tưới cho đồng ruộng vào các ao nuôi trồng thủy sản.
Bởi lấy nước lúc này các loại hoa màu sẽ ảnh hưởng đến năng suất và cá sẽ bị chết, phải chờ mùa mưa nước lưu thông mới dám bơm vào ao ruộng.
Các hộ dân sinh sống dọc kênh mương xả thẳng nước sinh hoạt đủ loại xuống mương, khiến nguồn nước luôn trong tình trạng đen đặc hôi thối nồng nặc.
Rõ ràng, mặc dù dư luận đã lên tiếng nhiều, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc nhưng nguồn nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đoạn qua tỉnh Hải Dương vẫn ngày càng ô nhiễm. Đề nghị chính quyền tỉnh Hải Dương và cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa giải quyết những bất cập tồn tại trên hệ thống thủy lợi này nhiều năm nay.