Xã hội

Hải Dương: Nông dân vững tin sau bão

Kiên Cường 18/09/2024 - 15:42

(TN&MT) - Sau cơn bão số 3, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương vùng trồng nông sản sắp đến mùa hái quả tan hoang, đổ nát… vùng nuôi trồng thủy sản mất mát thiệt hại nặng nề. Nhiều hộ gia đình mất trắng cả cơ nghiệp nhiều tỷ đồng, nhưng với bản chất được “hun đúc” của người nông dân cần cù, lam lũ; chịu thương, chịu khó họ gạt đi giọt nước mắt “của đau, con xót” đứng dậy vững tin quyết tâm làm lại, hy vọng vào ngày mai tươi sáng.

Nhà màng, nhà lưới tan hoang

img_4743.jpg
Bão số 3 đã giáng đòn "chí tử" vào trồng nông sản sạch ở Hải Dương, dưa lưới bị tàn phá chất đống thối la liệt

Theo báo cáo sơ bộ của tỉnh Hải Dương, bão số 3 đã làm khoảng 7.755 ha lúa bị đổ, bị ngập; 3.202 ha rau màu bị ngập, đổ gãy, dập nát; 4.372 ha cây ăn quả bị bị đổ, gãy ngang thân không có khả năng khắc phục; khoảng 2.250 ha rừng bị thiệt hại; 65ha nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng. 73 con gia súc, 388.605 con gia cầm bị chết; khoảng 560 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, khoảng 434 lồng cá bị tràn, vỡ, trôi lồng. Khoảng 20.650 công trình nhà ở, nhà xưởng, trụ sở, trường học... bị sập mái, tốc mái, hư hỏng, đổ… thiệt hại ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng. Bão số 3 đã quét sạch nhiều nhà màng, nhà lưới nông sản sạch khiến nông dân trắng tay làm lại từ đầu.

img_4730.jpg
Xã Phạm Trấn như công trường bề bộn, tan hoang sau bão

Về xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc “thủ phủ” trồng nông sản sạch của tỉnh Hải Dương vào ngày này chẳng khác nào công trường, nhưng là sự đổ nát, tan hoang của hàng chục hecta nhà màng, nhà lưới. Bão lũ đã đi qua, các hộ dân trong xã tập trung gần như toàn bộ nhân lực ra đồng để khắc phục hậu quả.

Nhà nào cũng có vài người đang thu dọn đống đổ nát, nhặt nhạnh thứ còn sót lại, tận dụng để dựng lại nhà tiếp tục cho sản xuất.

img_4713.jpg
Chị Phùng Thị Trạm, thôn Nam Cầu 1 thu dọn, nhặt nhạnh thứ còn sót lại.

Vừa thu dọn, nhặt thanh sắt cong queo do bị gió bão quật đổ, chị Phùng Thị Trạm, thôn Nam Cầu 1 buồn bã cho biết: Nhà tôi thuê 9 sào đất (1 triệu đồng/sào/năm) mới đầu tư nhà màng làm được 1 vụ, nay bão quét sạch đã mất 1 tỷ đồng, không kể vụ dưa lưới chỉ còn mấy hôm nữa là thu hoạch. Vốn liếng của gia đình, cộng thêm vay tiền ngân hàng giờ trắng tay, trong đống đổ nát này chỉ tận dụng được vài thanh sắt còn thẳng, còn lại bán đồng nát.

img_4725.jpg
Nhà màng, nhà lưới chị Phùng Thị Trạm giờ đống đổ nát chỉ bán được sắt vụn.

Chỉ cho chúng tôi đống dưa lưới to, tròn đang thối rữa, chị Trạm xót xa: Nếu không bão thì hôm nay (Tết trung thu) đúng là ngày thu hoạch, bán dưa ra thị trường, với 9 sào dưa trừ chi phí gia đình thu lãi được vài trăm triệu đồng. Mất mát chỉ thiệt hại về kinh tế “còn người, còn của” trong lúc này nhiều nhà còn thiệt hại lớn hơn gia đình tôi rất nhiều, mất trắng vài mẫu, hàng ha – chị Trạm nói: Giờ bắt tay làm lại từ đầu, được anh em họ hàng gia đình đến động viên, giúp đỡ ngày công dựng lại, cố gắng để làm lại từ đầu.

img_4717.jpg
Các hộ gia đình ở xã Phạm Trấn huy động anh em họ hàng đến khắc phục lại nhà màng

Xã Phạm Trấn là địa phương xây dựng mô hình nhà màng, nhà lưới lớn nhất của tỉnh Hải Dương, với diện tích 45 ha (bão lũ số 3 đã làm thiệt hại trên 80% diện tích) không thể khắc phục được. Ông Hoàng Trung Kiên, Chủ tịch Hội nông dân xã, chia sẻ: Thiệt hại đối với xã là quá lớn, cánh đồng trồng nông sản trong nhà màng, nhà lưới đang hứa hẹn cho mùa bội thu, qua trận bão đã đổ sập, ước tính thiệt hại trên 150 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình có vài mẫu thiệt hại 4 – 5 tỷ đồng, tất cả đều không khắc phục được, nay là đống đổ nát, khung mái nhà trở thành sắt vụn, giờ phải dựng lại nhà mới để bắt đầu cho sản xuất.

img_4708.jpg
Nhà màng, nhà lưới tang hoang, đổ nát tại xã Phạm Trấn

Khó nhất của địa phương là nguồn nhân lực, bởi đa số các hộ đều bị thiệt hại không có người để thuê. Hiện nay, nhiều hộ dân huy động anh em họ hàng ở các nơi đến làm giúp, mất mát lớn nên các hộ đều khó khăn về nguồn vốn rất cần các cấp, ngành có chính sách hỗ trợ vay vốn cho người dân tái sản xuất.

img_4323.jpg
Mô hình trồng dưa lưới của anh Nguyễn Văn Tiến chúng tôi đến thăm cách đây 20 ngày trước bão số 3

Mô hình trồng dưa lưới của anh Nguyễn Văn Tiến, thôn An Khoái, xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện cách đây khoảng 20 ngày vốn là điển hình sản xuất nông nghiệp của huyện, mỗi vụ thu lãi hàng tỷ đồng.

img_4735.jpg
Mô hình này nay trở thành đống hoang tàn, đổ nát không thể nhận ra

Sau bão, cánh đồng dưa lưới tan hoang, để dựng lại cơ ngơi như trước đây, anh Tiến phải đầu tư 3 tỷ đồng. Cơ sở của anh hiện đang phải huy động anh em, họ hàng đến giúp đỡ để khôi phục lại.

img_4738.jpg
Giia đình anh Nguyễn Văn Tiến đang khắc phục hậu quả thiệt hại

Bão qua đi trời lại sáng

Chúng tôi đến thôn Nấu Khê, xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách nơi người dân mới trở lại làng được 5 ngày. Thôn ở ngoài đê, giáp sông Kinh Thầy nên ngày mưa lũ nước nên cao chính quyền địa phương, đã yêu cầu mọi người sơ tán đến nơi an toàn.

img_4754.jpg
Người dân thôn Nấu Khê, xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách đã trở về làng sau ngày bão lũ

Ông Đặng Đức Bình, người dân thôn Nấu Khê, chia sẻ: Nước lũ lịch sử vừa qua nhiều nhà trong thôn bị ngập, ảnh hưởng đến cuộc sống và diện tích cây trồng trên 50 mẫu của người dân. Hiện nước chưa rút hẳn, nên người dân chưa thể bắt tay vào khôi phục được sản xuất.

img_4756.jpg
Ông Đặng Đức Bình, người dân thôn Nấu Khê kể về ngày lũ và cho biết bắt tay sản xuất khi nước lũ rút hẳn

Mọi người đã trở về nhà, dọn dẹp nhà cửa, đường thôn ngõ xóm ổn định đời sống. Bão lũ qua đi, may là không có thiệt hại về người, chỉ thiệt hại kinh tế, hoa màu, người dân chúng tôi động viên nhau bắt tay ngay vào vụ, khi nước sông rút hẳn. Mọi người đều tin tưởng bãi sông rồi lại xanh mướt như những ngày trước bão.

img_4764.jpg
Khu bãi bồi của thôn Nấu Khê vẫn bị ngập nước

Xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương có nhiều hộ dân nuôi cá lồng do ảnh hưởng của bão lũ số 3, cá chết hàng loạt đã gây thiệt hại kinh tế. Các hộ hiện đang tập trung khắc phục hậu quả, thu hoạch các loại cá còn lại và vớt cá chết làm sạch lồng bè, tiếp tục cho việc nuôi trồng.

Bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch UBND xã Tiền Tiến cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 79 hộ dân nuôi cá lồng (trong đó 68 hộ dân địa phương, 11 hộ dân ở nơi khác đến). Bão số 3 khiến cho các hộ nuôi cá đều bị thiệt hại, có 6 – 7 hộ bị thiệt hại nặng. Để giảm thiểu thiệt hại cho bà con, bởi hiện nay nước sông đục, chảy xiết chính quyền vận động và tạo điều kiện để bà con nhanh chóng thu hoạch cá còn lại bán ra thị trường, tránh để lâu cá nhao nhược, chết dần.

img_4786.jpg
Những hộ nuôi cá lồng ở Hải Dương bị thiệt hại nặng

Vượt quãng đường gần 2km lầy lội ảnh hưởng của lũ, chúng tôi xuống thăm cơ sở cá lồng của anh Nguyễn Văn Dương, thôn Cập Thượng 2. Anh Dương đang vớt những con cá trắm, chép chết đều từ 4 – 5 kg, loại cá này đã đến ngày xuất bán ra thị trường, xót xa nói: Mấy anh em chúng tôi chung nhau đầu tư gần 10 tỷ đồng nuôi 23 lồng, mới làm được 4 năm. Với số cá nếu bán ra thị trường được khoảng 4 tỷ đồng, nhưng bão số 3 đã làm thiệt hại quá lớn (bán được trên 300 triệu đồng).

img_4781.jpg
Anh Nguyễn Văn Dương, thôn Cập Thượng 2. Anh Dương vớt cá chết do ảnh hưởng của nước lũ

Nước lũ lớn chảy xiết khiến cho cá trắm to va đập vào lồng xước vảy chết hàng loạt. Hiện cơ sở thu hoạch số cá còn lại không đáng bao nhiêu và tiến hành vớt cá chết không để lâu sẽ gây ô nhiễm môi trường, gia cố lại lồng bè, đợi nước lũ bớt đục sẽ bước vào vụ mới. "Chúng tôi tin tưởng cần cù lao động “ông trời” không làm khó, mình vẫn còn may mắn hơn các hộ trồng nông sản mắt trắng bởi vẫn còn lồng bè, để bắt đầu lại và tin tưởng khó khăn sẽ qua" - anh Dương nói.

img_4785.jpg
Cá bị dồn ứ thành từng đống toàn loại cá to có thể xuất bán được

Trên đường về, chúng tôi đi qua bãi đất màu của xã Tân Tiến gặp bà Nguyễn Thị Vui, đang cặm cụi làm đất và gieo lại thửa ruộng rau màu khi nước vừa rút. Nhà bà Vui bị mất trắng hàng mẫu rau màu các loại do bão lũ số 3. Nay bắt tay vào vụ mới, theo kinh nghiệm của bà Vui, sau mỗi lần đất bãi bị ngập dù bị thiệt hại, nhưng gieo trồng cây sẽ lên rất nhanh và tươi tốt không cần bón phân, vì nước lũ mang theo phù sa bồi đắp. Bà Vui hy vọng vụ rau màu kịp phục vụ cho bà con vào dịp tết, hứa hẹn bội thu bù đắp cho mất mát đã qua.

img_4795.jpg
Bà Vui hy vọng vụ rau màu kịp phục vụ cho bà con vào dịp tết, hứa hẹn bội thu bù đắp cho mất mát đã qua.

Bão lũ số 3 đã tàn phá làm thiệt hại kinh tế nhiều ngành nghề, địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương, không làm người nông dân gục ngã. Họ đang đứng dậy vững tin mạnh mẽ, làm lại sau đổ nát, tan hoang, mất mát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Nông dân vững tin sau bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO